Vừa đi biển vừa lo lắng, đó là tâm trạng của rất nhiều ngư dân khi đối mặt với khó khăn trong “bão giá” xăng dầu. Giá dầu tăng cao còn kéo theo giá ngư lưới cụ, vật tư, nguyên liệu khác cũng tăng theo, khiến việc cầm cự để tiếp tục bám biển của ngư dân càng chật vật.
Chị Phạm Thị Thu, chủ tàu cá ở phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, mỗi chuyến đi đánh bắt mực, gia đình chị chuẩn bị khoảng 3- 4 can dầu (mỗi can đựng 30 lít). Mặc dù giá xăng dầu tăng cao, nhưng giá bán của các mặt hàng hải sản này vẫn giữ ở mức ổn định. Cụ thể, mực có giá 80.000-120.000 đồng/kg (tuỳ loại) bán với mức giá như vậy thì không còn lời.
“Nhiều bạn tàu của tôi tính đến phương án bán phương tiện để chuyển sang nghề khác nếu giá dầu cứ leo thang”, chị Thu bộc bạch.
Tương tự, ông Đoàn Quốc Lượm, ngư dân làm nghề lưới vây ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, với giá xăng dầu hiện tại, mỗi chuyến biển đi trong 20 ngày ông chi khoảng 250 - 280 triệu đồng. Theo đó chi phí cho mỗi chuyến ra khơi tăng 30% - 40%, nhưng sản lượng cá đánh bắt được ít, cầm chắc thua lỗ.
Anh Thạch Sol, chủ tàu cá ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) than thở: “Mọi khi tàu tôi vẫn đi đánh cá hằng ngày, giờ cách cả tuần mới đi một lần do không chịu nổi chi phí tăng cao. Tàu tôi trung bình mỗi chuyến đi tốn khoảng 50 - 60 lít dầu, chuyến vừa rồi bán mấy chục kg cá, mực các loại được hơn 1 triệu đồng. Với thu nhập như vậy chỉ đủ tiền mua xăng dầu, còn tiền bạn thuyền phải nợ hôm nào đánh bắt có dư mới trả lại khoản đó”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 vừa qua, nay thêm giá xăng dầu tăng cao đã khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.
“Một chuyến biển 30 ngày thì mỗi tàu cần khoảng 45.000 lít dầu, trên 1 tỷ đồng; tiền công lao động, tiền ngư cụ, mua lương thực… khoảng 800 triệu đồng. Trung bình mỗi chuyến tàu ra khơi chi phí là 1,8 tỷ đồng. Hiện nay sản lượng thấp, chi phí cao nên việc đánh bắt không có lời”, ông Ngữ nói. Theo ông Ngữ, đa số những tàu cá đánh bắt xa bờ, có khoảng 80% là vay vốn ngân hàng.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNN tỉnh Kiên Giang, từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, số lượng tàu cá nằm bờ có xu hướng tăng 1.000 đến 2.000 chiếc, chiếm gần 20% tổng số tàu cá của tỉnh. Qua khảo sát, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chi phí xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến khai thác thuỷ sản.
Trước mắt, Sở NN&PTNN Kiên Giang đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét phương án khoanh nợ, giãn nợ vay cho các tàu cá; khẩn trương phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân.