Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex:

Giá xăng có thể giảm tiếp trong thời gian tới

TPO – Đây là khẳng định của ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex trong cuộc trao đổi với Tiền phong ngày 17/10 xung quanh việc giá xăng được giảm thêm 500 đồng/lít.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex

Ngày hôm nay giá dầu thế giới đã xuống dưới mức 70 USD/thùng và Petrolimex đã giảm 500 đồng/lít xăng bán ra. Vậy mức giảm 500 đồng/lít này được tính theo căn cứ nào?

Mức giảm 500 đồng/lít này căn cứ khối lượng và mặt hàng tổng công ty đang có. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh hôm qua đã trả lời báo chí về việc này.

Ở đây giá xăng dầu là tính bình quân của 30 ngày trước đó. Hôm nay giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng, là tin mừng với các doanh nghiệp và người tiêu dùng nhưng chúng ta không thể ngày hôm nay có ngay giá đấy để sử dụng tại Việt Nam.

Ví dụ hôm nay theo giá trên sàn giao dịch là 80 USD/thùng, giao tháng 11. Nếu hôm nay Petrolimex mua được lô hàng đó thì tháng 11 mới có số hàng này về. Vì vậy, chúng ta phải chờ, đợi đến khi nào chúng ta có lượng hàng đấy về Việt Nam. Khi nào có hàng về thì tổng công ty sẽ tính tiếp.

Đối với Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, chúng tôi chỉ tính toán cái gì mình đã có trong tay, còn cái gì chưa có thì không thể nói được. Mức giảm 500 dựa trên tính toán mức hàng tồn kho của doanh nghiệp và thuế 5%.

Petrolimex sẵn sàng điều chỉnh khi điều kiện cho phép. Hiện lượng tiêu thụ hàng ngày của Petrolimex là khoảng hơn 7.000 m3 xăng và hơn 10.000 m3 dầu (1m3=1000lít). Việc vận hành theo cơ chế giá thị trường yêu cầu chúng ta phải điều chỉnh giá theo từng thời điểm cho hợp lý.

Đối với Petrolimex cũng như các doanh nghiệp đầu mối khác, tối thiểu lượng dữ trữ phải đảm bảo được 20 ngày. Thời điểm hiện nay và trong giá tính toán của Petrolimex cũng lấy chu kỳ 20 ngày, trên cơ sở đó làm căn cứ để xác định giá đầu vào và các khoản khác để tính giá bán ra.

Hiện giá thế giới xuống thấp nhất trong vòng nhiều tháng trở lại đây thì đó là giá giao dịch trên sàn London hoặc New York, chứ không có ngay bây giờ ở Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ có thể tính toán trên cơ sở những gì đang có trong tay.

Các doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng phải bán hết số hàng nhập về khi giá cao. Vậy số hàng đó hiện nay còn lại như thế nào?

Đúng là có việc tháng 7, tháng 8, các doanh nghiệp đầu mối phải nhập hàng giá cao, nhưng không phải vì vướng lượng hàng đấy mà chúng ta không vận hành giá xăng dầu theo đúng cơ chế thị trường. Vì đây là quyết định của Chính phủ kể từ 16/9 chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường và bắt buộc phải thực hiện.

Khi chuyển đổi từ cơ chế này sang cơ chế khác, bao giờ cũng có tồn tại mà chúng ta phải xử lý. Việc vận hành cơ chế mới ngay ban đầu cũng khó mà trơn tru được, cần phải có thời gian. Nhưng thị trường. Chính vì vận hành theo cơ chế mới nên kể từ đầu tháng 9 cho đến nay đây là lần thứ 3 Petrolimex đưa ra quyết định điều chỉnh giá theo hướng giảm dần.

Còn việc quyết định của ngày hôm nay là chúng tôi đã có đề nghị với liên bộ từ ngày 14/10. Còn đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nhận được quyết định trả lời. Quyết định giảm giá này của chúng tôi hoàn toàn tuân thủ theo Quyết định 79 và Quyết đinh 2013 của Bộ Tài chính.

Khi thị trường xuống chúng tôi cũng đã đặt hàng mua. Những cần phải biết rằng bình quân giá dầu thô của 20 ngày qua, kể từ 25/9 đến 15/10 ở mức 91,705 USD/thùng trong đó có một ngày ở mức trên 70 USD/thùng.

Tôi nghĩ rằng, với xu hướng hoặc giá ổn định như hiện nay hoặc giá giảm nữa thì chắc chắn người tiêu dùng hoàn toàn có cơ hội được hưởng mức giá thấp hơn nữa. Còn thời điểm hiện nay chúng tôi tiếp tục xử lý hàng tồn.

Có ý kiến cho rằng các doanh nghiệp hiện chưa sòng phẳng về mặt thông tin đối với người tiêu dùng?

Người tiêu dùng có quyền thắc mắc, đòi hỏi, đặt vấn đề với người này người khác, nhưng quyền đấy có đúng hay không là một chuyện. Đối với Petrolimex, việc kinh doanh xăng dầu ko có gì là không minh bạch.

Từ hàng nhập khẩu từng chuyến hàng một, số lượng, giá nhà nước hoàn toàn kiểm soát được qua cơ quan hải quan. Trong thời gian vừa qua, việc kinh doanh xăng dầu theo cơ chế bù lỗ, nên Nhà nước làm rất chặt chẽ cơ chế bù lỗ, kiềm soát chặt chẽ đầu vào, các chi phí, để nhà nước cấp bù.

Còn thông tin như thế nào thì đôi khi doanh nghiệp nói ra người ta lại cho rằng g khách quan nên để cơ quan nào đó nói thì chuẩn xác hơn nên khi Bộ trưởng Bộ Tài chính nói rằng giá xăng dầu hiện nay là giá trung bình của 30 ngày trước đấy thì tôi thì qua đó người tiêu dùng hiểu hơn.

Hiện nay với giá 70 USD thì Petrolimex có cho rằng đây là mức giá hấp dẫn để mua dầu dự trữ phòng khi giá lên hay không?

Việc mua hàng nhập khẩu phải căn cứ nhu cầu tiêu thụ, điều kiện tích trữ, không có nghĩa cứ rẻ là mua. Đương nhiên các kế hoạch nhập khẩu phải tính toán rất kỹ nhưng tất cả chỉ là dự báo, nhiều cái trông thấy nhưng không ở trong tầm tay của mình được nên nếu như xu thế càng ngày càng hạ thì là tín hiệu tốt đối với chúng ta, còn bây giờ không thể nói ngay được là có mua được thế hay không hay người tiêu dùng có được hưởng thế không, bản thân doanh nghiệp cũng mong muốn thế đấy chứ.

Dù kinh doanh theo cơ chế nào, chúng tôi vẫn phải đảm bảo, quyền lợi nhà nước, quyền lợi doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng và phải giải quyết hài hòa cả 3 điều kiện trên. Còn chúng ta chỉ đứng ở góc độ nào đó thì chúng ta không giải quyết được cụ thể.

Nếu giá dầu ở mức 70 USD/thùngvà  ổn định từ nay đến cuối năm thì người tiêu dùng được hưởng mức giá nào?

Tôi không  khẳng định, với từng lô hàng 1, giá nhập khẩu bao nhiêu, xác định giá thành tại thời điểm đó, tôi chưa có lô hàng đấy nên tôi chưa trả lời được. Còn phụ thuộc vào thuế, tỷ giá (giữ nguyên), chăc chắn nếu giá ổn định ở 70 USD thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng giá thấp hơn bây giờ.

Nếu nhà nước có điều chỉnh thuế, cũng là một lý do rất chính đáng vì trong suốt nhiều năm qua, nhà nước đã bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để bù lỗ cho xăng dầu nên khi có điều kiện, nếu điều chỉnh thuế để bù lại phần nhà nước đã bỏ ra để bù lỗ xăng dầu trước đó là điều hoàn toàn chính đáng.

Chỉ có điều, cũng cần giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà nước là thuế, ổn định xã hội, đảm bảo an sinh, nhưng cũng đảm bảo với quyền lợi với doanh nghiệp.

Nhiều người cho rằng công tác dự báo của các doanh nghiệp xăng dầu kém. Ông đánh giá thế nào?

Với mỗi mặt hàng, dự báo có điểm khác nhau. Riêng đối với xăng dầu, ở cả Việt Nam và thế giới, giá xăng dầu không thuần túy phụ thuộc vào cung cầu mà còn phụ thuộc vào các vấn đề địa chính trị. Nên mọi dự đoán về xăng dầu cũng chỉ là tương đối. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Đối với Việt Nam, Petrolimex là doanh nghiệp có vai trò chủ đạo về bình ổn xăng dầu. Mỗi doanh nghiệp có phương thức tổ chức kinh doanh khác nhau nhưng đối với chúng tôi phải tính toán yếu tố an toàn hơn.

Tháng 7, tháng 8, giá cao, nguồn cung hạn chế nên việc đảm bảo an ninh năng lượng là ưu tiên. Trong trường hợp giá tăng mạnh, mà Việt Nam không có đủ nguồn dự trữ để đảm bảo an ninh năng lượng, không lẽ để đứt nguồn và nếu để mất an ninh năng lượng thì trách nhiệm sẽ như thế nào.

Nhà nước quyết định vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp nhất định phải có lợi nhuận, mặc dù có thể có giai đoạn lãi, giai đoạn lỗ, nhưng trên tổng thể hoạt động 1 năm, dứt khoát doanh nghiệp phải có lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông

Phạm Tuyên
Thực hiện