TIÊU ĐIỂM KINH TẾ:

Giá vàng nhẫn ‘vượt mặt’ SJC; Temu gây 'náo loạn' thị trường

TPO - Ngân sách chi thêm 139.000 tỷ đồng tăng lương cơ sở năm 2025; điều 'chưa từng có' giữa giá vàng nhẫn và SJC; lùm xùm quanh vụ Temu; Bộ Công Thương nói về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân; hàng không thế giới 'chao đảo' vì vụ Israel tấn công Iran... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Ngân sách chi thêm 139.000 tỷ đồng tăng lương cơ sở năm 2025

Sáng 22/10, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình Quốc hội báo cáo đánh giá thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 1,7 triệu tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023. Đánh giá cả năm ước đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 172 nghìn tỷ đồng so dự toán.

Chính phủ cho biết, dự toán chi khoảng 2,1 triệu tỷ đồng, ước cả năm đạt 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% so dự toán, chủ yếu từ nguồn ước vượt dự toán thu.

Dự toán bội chi năm 2024 là 399.000 tỷ đồng, bằng 3,6% GDP. Ước bội chi cả năm khoảng 389.000 tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10.000 tỷ đồng so dự toán, do giảm chi nguồn vốn vay của ngân sách địa phương.

Chính phủ cho biết, năm 2025, để đảm bảo chi trả tiền lương khu vực công theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, ngoài số cân đối bố trí từ nguồn thu ngân sách nhà nước, dự kiến sử dụng khoảng 110.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương.

Theo số liệu Bộ Nội vụ báo cáo, nhu cầu kinh phí để điều chỉnh lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, hình thành quỹ thưởng, tính đủ 12 tháng trong năm 2025 tăng thêm 139.000 tỷ đồng. Theo đó, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025 là 2,5 triệu tỷ đồng.

Điều 'chưa từng có' giữa giá vàng nhẫn và SJC

Sáng 26/10, công ty Vàng bạc Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn 87,9 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Giá vàng nhẫn tròn ở mức 89 triệu đồng/lượng. Ảnh: BTMC.

Giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết 88 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn 87,48 - 88,98 triệu đồng/lượng.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá nhẫn tròn 87 - 88,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng so với sáng qua.

Giá vàng miếng SJC được nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) niêm yết 89 triệu đồng/lượng. Doanh nghiệp niêm yết giá vàng miếng SJC 87 - 89 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Từ trước tới nay, giá vàng miếng SJC luôn cao hơn giá vàng nhẫn tròn trơn và có thời điểm chênh tới gần 20 triệu đồng/lượng.

Từ tháng 6, giá vàng miếng SJC duy trì ổn định, trong khi giá vàng nhẫn tròn liên tiếp lập đỉnh. Điều này khiến lần đầu tiên trong lịch sử, giá vàng nhẫn tròn mua vào cao hơn giá vàng miếng SJC tới 1 triệu đồng/lượng.

Những ngày này, tại nhiều cửa hàng, người dân khó mua được vàng nhẫn vì các đơn vị bán vàng luôn trong tình trạng hết vàng. Trong khi đó, việc đặt mua vàng miếng SJC trực tuyến cũng khó khăn diễn ra nhiều tháng nay.

Vụ Temu: Nói nhiều mà không có giải pháp khác nào quảng bá

Ngày 25/10, trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM, hiện là Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM) - cho rằng, nền kinh tế Việt Nam, khu vực sản xuất, chuỗi bán lẻ đang bị cạnh tranh rất mạnh từ hàng giá rẻ nước ngoài. Sự phát triển nhảy vọt của thương mại điện tử đến từ các nước khác ngày càng hiện rõ, nhưng chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu nào kiểm soát.

Các mặt hàng giá rẻ đang ồ ạt vào Việt Nam thông qua sàn thương mại điện tử Temu. Ảnh: TP.

Nữ đại biểu nhìn nhận, việc Temu chưa đăng ký với cơ quan chức năng Việt Nam mà tự hoạt động giao dịch, bán hàng tại Việt Nam là vi phạm các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, sự việc này cũng chỉ bị xử lý hành chính.

"Các chiêu trò bán hàng giá rẻ, kêu gọi người tham gia bán hàng với mức chiết khấu lớn, lãi không tưởng đã đem lại ích lớn cho Temu và sàn thương mại có xuất xứ từ Trung Quốc. Có thể coi việc này như cách để tạo scandal tại Việt Nam”, bà Lan nhận định.

“Chúng ta nhắc đến sàn này quá nhiều mà không có giải pháp gì thì không khác nào chúng ta quảng bá cho thương hiệu này phổ biến đến công chúng”, bà Lan nói và cho rằng cơ quan nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương có trách nhiệm phải đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả.

“Thương mại điện tử là xu hướng của thế giới, nhưng phải được đặt trong quy định về quản lý thuế, cạnh tranh lành mạnh, hàng hoá phải đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”, bà Lan cho hay.

Theo đại biểu đoàn TPHCM, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như quần áo, đồ gia dụng nhỏ lẻ trên thị trường truyền thống đã bị thương mại điện tử chiếm hết rồi. Điều này rất khó cho doanh nghiệp sản xuất, khi đầu ra là bán hàng khó khăn. “Cả nền kinh tế mà chỉ mỗi bất động sản tăng giá, phát triển thì không ổn”, bà Lan cảnh báo.

Bộ Công Thương nói về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân

Tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương chiều 23/10, nhiều chủ đề nóng liên quan đến Luật Điện lực, phát triển điện hạt nhân, chính sách điện mặt trời tự sản tự tiêu, sửa nghị định về xăng dầu còn nhiều bất cập… đã được các phóng viên đặt ra với Bộ Công Thương.

Lãnh đạo Bộ Công Thương trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh: C.Dũng.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương - cho biết, từ năm 2009 Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận theo Nghị quyết của Quốc hội. Khi nghiên cứu triển khai, yêu cầu đặt ra là việc phát triển điện hạt nhân phải đảm bảo các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học kĩ thuật, nguồn tài chính… Tuy nhiên, do nhiều yếu tố đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, do đó Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện nay tình hình của đất nước và thế giới có chuyển biến tích cực, đặc biệt là nguồn lực nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu về phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tới. Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới. Bộ Công Thương đã có báo cáo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về vấn đề này.

"Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero. Tuy nhiên việc phát triển như thế nào sẽ được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện để đề xuất trong Quy hoạch Điện 8 để rà soát điều chỉnh”, ông Hùng nói.

Hàng không thế giới 'chao đảo' vì vụ Israel tấn công Iran

Ngày 26/10, Ja'far Yazerlou - người phát ngôn của Tổ chức hàng không dân dụng Iran - tuyên bố mọi chuyến bay bị hủy cho đến khi có thông báo mới. Phát biểu của ông được đưa ra vài giờ sau khi Israel tấn công một số nơi ở 3 tỉnh của Iran.

Lực lượng phòng không Iran cho biết về việc chiếm đóng các vị trí ở các tỉnh Tehran, Khuzestan và Ilam. Theo truyền thông Iran, các cuộc tấn công gây ra thiệt hại ở một số địa điểm, quy mô của vụ việc đang được điều tra.

Máy bay rời khỏi các trung tâm sân bay lớn ở Trung Đông, bao gồm Dubai, bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.

Theo ABC, các hãng hàng không bay qua Trung Đông chuyển hướng máy bay khỏi khu vực này vì căng thẳng giữa Israel và Iran sắp bước vào giai đoạn mới. Từ lúc Iran phóng loạt tên lửa vào Israel hồi đầu tháng, máy bay thương mại bay qua khu vực này phải chuyển hướng. Một số hãng hàng không tránh không phận Iraq và Iran vì lo ngại Israel tấn công trả đũa.

Singapore Airlines, Lufthansa và British Airways thậm chí bắt đầu sử dụng không phận Afghanistan sau nhiều năm tránh xa nước này. Các đường bay thay thế đang làm tăng giá vé, tăng giờ bay và gây tắc nghẽn, nhưng các hãng hàng không cho biết họ không thể mạo hiểm.