Giá vàng châu Á ít thay đổi

Vàng giao ngay vững giá trên thị trường châu Á trong phiên 1-11 do loay hoay giữa hai "gọng kìm".

Một là sự hậu thuẫn làm "nơi trú ẩn an toàn" khi tâm lý lo lắng về khủng hoảng nợ công châu Âu lại trỗi dậy; hai là sức ép giảm giá khi đồng USD tiếp tục mạnh lên.

Ngày 1-11, đồng USD đã tăng thêm gần 1% giá trị trong rổ tiền tệ - một ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chính thức can thiệp vào thị trường tiền tệ trong nước lần đầu tiên kể từ tháng 8-2011, nhằm kiềm chế đồng yên tăng giá bằng cách bán một lượng lớn đồng nội tệ ra thị trường.

Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa thuộc UBS Wealth Management có trụ sở tại Xingapo, Dominic Schnider, vấn đề của châu Âu sẽ lại nổi lên vào cuối năm nay và nhu cầu đầu tư an toàn có thể khiến giá vàng trở lại mức cao kỷ lục trên 1.920 USD/ounce. Chuyên gia này cũng cho hay đà tăng giá hàng hóa trong thời gian gần đây, do sự lạc quan về thỏa thuận giải quyết khủng hoảng nợ công của Liên minh châu Âu (EU) đạt được trong tuần trước, có thể chấm dứt nếu cuộc khủng hoảng này không sớm được tháo gỡ.

Tại Hồng Công lúc mở cửa phiên 1-11, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 1,92 USD lên 1.720,3 USD/ounce, vì thấy đồng USD đã ngừng tăng giá. Tuy nhiên, lúc 7 giờ 01 phút GMT (13 giờ 01 phút giờ Việt Nam) cùng ngày tại Xingapo, giá vàng giao ngay vững ở mức 1.714,54 USD/ounce, sau khi tăng tổng cộng 5,5% trong tháng 10-2011.

Trong khi đó, giá vàng Mỹ kỳ hạn giao dịch điện tử tại đây lại giảm 0,5% còn 1.716,50 USD/ounce. Các phân tích kỹ thuật cho thấy vàng có thể lùi xuống dưới mức 1.704 USD/ounce trong phiên này.

Đêm trước tại Niu Yoóc, giá vàng giảm mạnh cũng liên quan đến việc đồng USD tăng giá so với một số ngoại tệ chủ chốt khác, khiến vàng mất đi sự hấp dẫn của nơi đầu tư an toàn. Chốt phiên 31-10 trên sàn giao dịch kim loại thuộc Thị trường hàng hóa Niu Yoóc, giá vàng giao tháng 12-2011 đã giảm tới 22 USD (1,3%) xuống 1.725,2 USD/ounce.

Cũng trong ngày 31-10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã chính thức can thiệp vào thị trường tiền tệ trong nước, nhằm kiềm chế đồng yên tăng giá. Với động thái này, tỷ giá đồng yên so với USD đã vọt lên mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai và tăng mạnh so với đồng euro, giữa lúc giới đầu tư coi đồng nội tệ của Nhật Bản như là "nơi trú ẩn an toàn", trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công của Eurozone gây tâm lý lo ngại trên các thị trường.

Theo Đăng lại