Thời điểm 8h30 sáng 28/8, tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 36,43 – 36,47 triệu đồng/lượng (mua – bán), bằng giá chốt ngày hôm qua.
Cùng thời điểm tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 36,38 – 36,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), bằng giá chốt ngày hôm qua.
Trên thế giới, giá vàng bán ra tăng nhẹ, hiện ở mức 1.286 USD/oz, tăng 3 USD/oz so với giá chốt ngày hôm qua.
Như vậy, khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới thu hẹp còn 3,5 triệu đồng mỗi lượng (quy đổi theo tỷ giá liên ngân hàng).
Trong khi đó, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại giảm nhẹ. Ngân hàng Vietcombank hiện niêm yết ở mức 21.170 – 21.220 đồng/USD (mua vào – bán ra), giảm 10 đồng mỗi USD so với tỷ giá cùng thời điểm ngày hôm qua.
Theo giới quan sát, chứng khoán Mỹ hôm qua gần như đi ngang do nhà đầu tư không có lý do tiếp tục mua vào, sau khi các chỉ số chủ chốt liên tục lập đỉnh vài ngày qua.
Cùng với đó, số liệu kinh tế yếu tại Đức và kết quả kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp đã ghìm lại đà tăng của chứng khoán châu Âu. Thị trường này đã tăng 6% từ ngày 8/8.
Đồng euro hôm qua bật lên khỏi đáy hơn một năm sau khi Bộ trưởng Tài chính Đức - Wolfgang Schaeuble bác bỏ suy đoán của thị trường rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng tiền tệ trong vài tháng tới.
Rời thị trường chứng khoán, một số nhà đầu tư quay trở lại với vàng, điều này khiến khối lượng giao dịch tăng và đẩy giá lên. Tuy nhiên, tại châu Á, lực mua vật chất đã nhích lên phần nào, nhưng vẫn còn rất yếu. Do đó, giá vàng tuy có nhích tăng nhưng mức tăng không mạnh.
Cùng với đó, căng thẳng Nga – Ukraine lại có dấu hiệu gia tăng, khi Ngoại trưởng Nga - ông Sergei Lavrov ngày 27/8 cho biết, chuyến hàng cứu trợ nhân đạo sắp tới mà nước này chuyển tới Ukraine sẽ không phải là “chuyến cuối cùng”, bất chấp việc Kiev lo ngại Moskva sẽ dùng nó làm vỏ bọc để hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Điều này cũng góp phần đẩy giá vàng lên.