Giá USD tăng mạnh có đáng lo?

Giá USD tăng mạnh những ngày qua nhưng lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại khẳng định cầu ngoại tệ không tăng đột biến.
Dù giá USD tăng mấy ngày qua nhưng nhu cầu về ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đều được đáp ứng Ảnh: Tấn Thạnh

Cuối ngày 20-6, Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết giá USD mua vào 22.830 đồng/USD, bán ra 22.900 đồng/USD, tăng thêm 20 đồng mỗi USD so với cuối phiên trước. Nếu so với phiên cuối tuần qua, giá USD tại Vietcombank đã tăng thêm 45 đồng/USD.

NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giao dịch USD ở mức cao hơn, với giá 22.840 đồng/USD mua vào, 22.910 đồng/USD bán ra, tăng khá mạnh so với phiên trước. Trong ngày, biểu giá giao dịch đồng đô-la Mỹ cũng nhiều lần được điều chỉnh.

Trên thị trường tự do, giá USD tiếp tục tăng cao, vượt 23.100 đồng/USD. Cuối ngày, một số tiệm vàng và điểm thu đổi ngoại tệ báo giá ở mức 23.000 đồng/USD mua vào, 23.120 đồng/USD bán ra, tăng thêm khoảng 50 đồng mỗi USD so với phiên trước. Nếu tính từ cuối tuần trước, giá USD tự do đã tăng thêm khoảng 200-250 đồng mỗi USD và đang ở mức cao trong nhiều tháng qua.

Tỉ giá trung tâm hôm 20-6 cũng được NH Nhà nước điều chỉnh tăng thêm 15 đồng/USD so với phiên trước, lên mức 22.615 đồng/USD.

Trước diễn biến tăng khá mạnh của đồng USD trong NH thương mại và trên thị trường tự do những ngày qua, lãnh đạo một số NH thương mại cho rằng chưa có bất thường nên không đáng lo. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM nhận định có thể giá USD tự do tăng do yếu tố tâm lý khi Mỹ nâng lãi suất cơ bản vừa qua, cộng thêm thông tin về căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc gần đây. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất của Mỹ đã được thị trường dự báo từ trước nên không phải là yếu tố bất ngờ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cũng thừa nhận diễn biến giá USD tăng trên thị trường tự do và NH thương mại mấy ngày qua là chưa đáng lo. Cầu ngoại tệ không đột biến và mọi nhu cầu về ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp (DN) đều được đáp ứng. Tỉ giá tăng có lợi cho DN xuất khẩu, trong khi DN nhập khẩu hàng hóa cần lưu ý để cân nhắc, chủ động nguồn ngoại tệ. Nguồn ngoại tệ dồi dào từ các DN xuất khẩu, du lịch và kiều hối những tháng đầu năm giúp cân đối cung cầu ngoại tệ của TP.

"Nhu cầu giữ USD của người dân đã giảm nhiều và DN cũng chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ, giúp giảm sức ép lên tỉ giá. NH thương mại vẫn mua được ngoại tệ từ DN. NH Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến tỉ giá để có điều hành kịp thời" - ông Minh thông tin.

Dưới góc độ DN, ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐTV Công ty Thép Khương Mai, nhìn nhận giá USD tăng sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc mua ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu của các DN. Một số DN vay USD ngắn hạn cũng có thể bị tác động bởi giá đô-la Mỹ tăng cao hơn.

"Mức biến động của tỉ giá USD/VNĐ trong khoảng 1%-2% là chấp nhận được và thường được các DN cũng tính toán đưa vào giá thành sản xuất, kinh doanh" - ông Khương nói.

Theo lãnh đạo một số NH, với chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt như hiện nay của NH Nhà nước, biên độ điều chỉnh tỉ giá tăng thêm 1%-2% mỗi năm là mức hợp lý, góp phần hỗ trợ cho xuất khẩu. Cộng thêm dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức cao kỷ lục với khoảng 63-64 tỉ USD, NH Nhà nước có đủ dư địa để can thiệp thị trường ngoại hối trong trường hợp cần thiết.

Theo Theo Người lao động