Tại hội thảo kinh tế vĩ mô với chủ đề “Vượt trên trạng thái “Bình thường mới” – Việt Nam giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2020” do Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức, nhiều chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn. Trong đó giá thịt heo là nhân tố khó lường và là một trong những rủi ro lớn với kinh tế vĩ mô năm 2020.
Theo đó, nguồn cung thịt heo sẽ trở nên dồi dào hơn trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn và khuynh hướng nhập khẩu thịt heo gia tăng. Điều này giúp giá thịt heo giảm nhiệt so với cuối năm 2019. Tuy nhiên trong bối cảnh chưa có vacxin phòng ngừa, dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trở lại, khiến giá cả biến động khôn lường. Giá cả nhóm thực phẩm dự kiến sẽ tăng khoảng 5%, tác động làm tăng 1,2 đpt đối với lạm phát tổng thể năm 2020.
Kết thúc năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao 7,02%, tương đồng với 2017-2018. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Thế nhưng tăng trưởng xuất khẩu thực tế đã giảm từ 21% năm 2017 xuống mức 8% năm 2019.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam cho biết. “Trước đây Việt Nam phải dựa vào tăng xuất khẩu, năm nay tuy giảm mạnh nhưng tiêu dùng vẫn tăng 9,2%, tiêu dùng hộ gia đình tăng 7,3%. Đây là giai đoạn thị trường nội địa mở rộng. Kinh tế toàn cầu suy giảm nhưng do ổn định vĩ mô trong nước nên nền kinh tế vẫn tăng trưởng tốt”.
Về sản xuất, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, ngành công nghiệp năm qua, điện thoại Samsung tăng trưởng rất ít, nhưng linh kiện điện tử lại tăng mạnh. Nguyên nhân do linh kiện tử của Trung Quốc bị đánh thuế vào Hoa Kỳ nên linh kiện điện tử của Việt Nam tăng mạnh và xuất sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, ngành du lịch, vận tải cũng tăng mạnh đã đẩy nền kinh tế trong nước cùng đi lên.
TS.Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh dựa báo, kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ còn rất khó khăn hơn năm 2019. Tình hình lạm phát theo tính toán từ Hội đồng giá thì trong quý 1/2020 cũng trên 4%, chưa kể vấn đề biến động của giá dầu trên thế giới. Do đó lạm phát sẽ cao hơn 2019.
Chia sẻ doanh nghiệp nên đầu tư vào lĩnh vực nào trong năm 2020, TS.Võ Trí Thành nhìn nhận, 3 năm lại đây, các nhà đầu tư thế giới đầu tư vào du lịch và lưu trú, giáo dục, năng lượng tái tạo, logistic, DATA center, AI… Còn Việt Nam có lợi thế mà hội nhập đem lại, có 3 lĩnh vực là nhóm dệt may, gia dày; công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ; logistic mà doanh nghiệp cần quan tâm.
“Cần nhìn nhận Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh rộng lớn. Năm 2020 không chỉ là năm tổng kết quá khứ mà còn chuẩn bị tương lai với kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045. Kèm theo đó là sự cải cách, sáng tạo và chỉ tiêu phải thực hiện sự gắn với động lực mới và những đòi hỏi thay đổi về chất trong phát triển” - TS.Võ Trí Thành
Năm qua, thị trường bất động sản TPHCM có những khó khăn nhất định. Cụ thể, nguồn cung năm 2019 tại TPHCM giảm 52%, giá bất động sản đã bị đẩy lên tăng trong bối cảnh thị trường giao dịch trầm lặng hơn năm trước. Giá bất động sản đã tăng 12% tùy từng phân khúc, địa bàn.
TS. Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM thừa nhận bất động sản TPHCM không chỉ phát triển về nhà ở mà còn thị trường cho thuê, dịch vụ đi kèm. Phát triển hạ tầng bất động sản thành phố cũng khá mạnh, thị trường cho thuê nhu cầu rất lớn, ngay cả phát triển dịch vụ lưu trú cũng rất nhiều. Năm 2019, sự phát triển thị trường này hơi chựng lại, mức độ tắng trưởng chưa đầy 2%, trong khi các năm trước đều trên 7%.
“Tuy khó khăn nhưng không phải là không có cơ hội. Đó là các doanh nghiệp bất động sản đang mở rộng hướng ra các tỉnh xung quanh, hướng đến căn hộ giới bình dân, nhà cho người thu nhập thấp còn nhu cầu rất lớn. Doanh nghiệp nên tập trung vào phân khúc này” – ông Anh Tuấn cho biết.