Giá thép và xi măng sẽ còn tăng cao

TP - Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra nhận định: Ngay trong quý I năm 2008, giá thép sẽ tiếp tục tăng do giá phôi thép, giá thép thành phẩm nhập khẩu và chi phí sản xuất đầu vào tăng.

Trong năm 2007, giá thép và xi măng liên tiếp gia tăng khiến cho ngành xây dựng phải điêu đứng và cũng là nguyên nhân khiến chỉ số giá vật liệu xây dựng tăng trên 11%, đứng thứ 2 về tốc độ tăng giá trong nhóm các mặt hàng tiêu dùng. Theo dự báo, trong năm 2008, giá thép và xi măng sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Tại thời điểm này, các doanh nghiệp kinh doanh xi măng đã tăng giá xi măng lên gấp hai lần với tổng mức tăng khoảng 45.000 đồng/tấn. Trong lần tăng gần đây (tháng 12/2007), giá xi măng đã tăng từ 810.000 đồng lên 970.000 đồng/tấn.

Một số doanh nghiệp kinh doanh thép, nguyên nhân khiến xi măng tăng giá là vì bắt đầu từ 1/1/2008, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã thông báo tăng giá bán than cho ngành xi măng thêm 50-70%.

Theo dự báo, nhu cầu sử dụng xi măng trong năm 2008 sẽ tăng khoảng 12% so với năm 2007 ở mức 30-40 triệu tấn. Đây sẽ là một thách thức rất lớn vì nguồn cung chủ yếu hiện nay là dựa vào xi măng địa phương với công suất rất nhỏ.

Cộng với việc các dự án xi măng ít ỏi trong năm 2008, nguồn cung xi măng chắc chắn sẽ thiếu hụt. Điều này sẽ khiến cho giá xi măng trên thị trường còn tiếp tục leo thang.

Tổ điều hành thị trường trong nước đưa ra nhận định: Ngay trong quý I năm 2008, giá thép sẽ tiếp tục tăng do giá phôi thép, giá thép thành phẩm nhập khẩu và chi phí sản xuất đầu vào tăng.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, ngay trong những ngày cuối năm 2007, các doanh nghiệp kinh doanh thép tiếp tục điều chỉnh giá thép lên khoảng 150.000 đồng/tấn so với tuần trước. Theo ông Cường, nguyên nhân là do giá phôi thép tăng thêm 220 USD/tấn (650 USD/tấn).

Theo VSA, trong quý I năm 2008, nhu cầu thép trong nước sẽ vẫn ở mức cao trên 300.000 tấn/tháng và vẫn không có chiều hướng suy giảm khi mà trong tháng 1/2008, Trung Quốc sẽ tăng giá phôi thép xuất khẩu thêm 10% lên mức 25% và tăng thuế xuất khẩu thép thêm 5% lên mức 20%. “Nếu thông tin này chính xác, giá thép trong nước sẽ tăng thêm khoảng 200.000 -300.000 đồng/tấn” - ông Cường khẳng định.