Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng- Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, bệnh nhân lao tăng gần gấp đôi, từ 8.000 ca lên 15.000 ca, trong vòng 10 năm qua. Trung bình, mỗi năm số bệnh nhân lao tăng 2%, tập trung ở nhóm từ 25 - 54 tuổi.
Thống kê của bệnh viện này cho thấy, mỗi năm gần 1.000 người mắc lao mới cộng với hơn 7.000 bệnh nhân phổi nằm trong chương trình chống lao khiến bệnh lao trở thành gánh nặng của ngành y tế.
Theo WHO, tỉ lệ lao kháng thuốc tại TPHCM nhiều gấp 4 lần tỉ lệ trung bình trên thế giới. Tại TPHCM, theo bác sĩ Dũng, mỗi năm chương trình phòng chống lao có thêm từ cộng đồng dân cư khoảng 14.000- 15.000 bệnh nhân tham gia, trong đó khoảng 8.000 người bị lây bệnh mới từ người mang mầm bệnh lao được phát hiện.
Trong năm 2010, BV Phạm Ngọc Thạch có hơn 100.000 người đến khám lao và có hơn 54.000 người phát hiện mắc lao các thể, chiếm 0,87% dân số. Tuy nhiên, đáng báo động hơn, trong đó có khoảng 1.100 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 200 bệnh nhân vô hiệu với tái điều trị.
Đó là chưa kể có khoảng 700 trường hợp lao mãn tính ở ngoài cộng đồng kháng hầu hầu hết các loại thuốc nên tỷ lệ điều trị thành công cho các trường hợp này chỉ 50%, số còn lại phải chịu chết.
Thạc sĩ – bác sĩ Phan Thượng Đạt- BV Phạm Ngọc Thạch cho rằng, tỉ lệ lao kháng nhiều thuốc của toàn TPHCM là 2,3%, riêng khu vực nội thành là 3,8%. “Việc điều trị các dạng lao này khó khăn không khác gì việc trị lao vào thời điểm chưa có thuốc kháng sinh cách đây trên nửa thế kỷ”, bác sĩ Đạt nói. Tỉ lệ bệnh nhân lao điều trị thất bại do kháng nhiều thuốc ở Việt Nam là 3,8% và đang có nguy cơ gia tăng.
Mối họa cho cộng đồng
Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể kéo dài hai năm và giá thành của thuốc đắt gấp 100 lần so với thuốc trị lao không kháng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng điều trị thành công một khi có sự xuất hiện của lao đa kháng mà đặc biệt là lao siêu kháng thuốc. Những chủng vi trùng kháng thuốc này là những nguồn lây nguy hiểm.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Bửu - Phòng chỉ đạo tuyến BV Phạm Ngọc Thạch, quy trình điều trị lao ít nhất 6 tháng, có những trường hợp điều trị duy trì phải từ 12 - 18 tháng. Tuy nhiên, có không ít bệnh nhân bỏ điều trị, thậm chí mua thuốc trôi nổi ở ngoài uống không theo phác đồ, khiến bệnh tái phát và dẫn đến kháng thuốc.
Năm 2009 ở TPHCM có ít nhất 2.000 bệnh nhân điều trị tư nhưng không được đăng ký vào báo cáo. Cùng với số bệnh nhân bỏ điều trị, đây là nguồn lây lan lớn cho cộng đồng. “Hầu hết bệnh nhân bỏ điều trị là lao động dịch vụ và dân nhập cư nên không có điều kiện để điều trị và rút cuộc đã bỏ mặc bệnh”- bác sĩ Bửu nói.
Tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mỗi năm có khoảng 350 trường hợp tử vong do lao, đó là chưa kể số bệnh nhân mắc lao tử vong ở ngoài cộng đồng, giấu bệnh, hoặc điều trị tại các cơ sở không chính thức. Bác sĩ Nguyễn Huy Dũng cho rằng, tình trạng lao kháng thuốc đang gia tăng nhanh tại TPHCM thực sự là mối đe dọa cho người dân khi tiếp xúc lâu dài với bệnh nhân.
Ước tính trên thế giới hiện có 1/3 dân số bị nhiễm lao (cứ 4 giây trôi qua thì có một người trở thành bệnh nhân lao), trong đó hơn 50 triệu người nhiễm vi trùng lao kháng thuốc và hơn 400.000 người bị lao đa kháng. Theo Chương trình Phòng Chống lao Quốc gia, mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 150.000 bệnh nhân lao, tỉ lệ dân số bị nhiễm lao ở nước ta là 44% và ước tính tử vong do lao là 20.000 ca/năm. Riêng tại TPHCM, trong 5 năm từ 2005 - 2010, đã có hơn 1.500 bệnh nhân mắc lao đã chết.