Gia Lai bứt tốc để phát triển

Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, Gia Lai hội tụ nhiều yếu tố để bứt tốc phát triển kinh tế. Dễ thấy tại tỉnh này khi rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp chọn Gia Lai đầu tư vì những chính sách thông thoáng, cởi mở, cơ sở hạ tầng phát triển.

Tiềm năng lớn

Từ ngày 19-25/5, Gia Lai tổ chức Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932 - 24/5/2022).​​ Đây là cơ hội để tỉnh này quảng bá những tiềm năng, lợi thế, những chính sách tốt với những nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trao đổi với PV, ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai là mảnh đất giàu tiềm năng, lợi thế. Trong giao thông, tuy không có đường sắt, đường biển, nhưng Gia Lai lại có 5 Quốc lộ (Quốc lộ 19,25,14,14C và Đông Trường Sơn) thuận lợi kết nối thông thương, luân chuyển hàng hóa. Có Cảng Hàng không Pleiku thuận tiện cho việc đi lại với TP.HCM chỉ trên dưới 1 tiếng đồng hồ.

Gia Lai với cơ sở hạ tầng phát triển. Ảnh Phan Nguyên

Gia Lai có Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh nối cảng nước sâu Quy Nhơn, đây là trục kinh tế Đông - Tây không chỉ thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa cho tỉnh mà còn cho các tỉnh đông bắc Campuchia đi qua cửa khẩu này về Cảng Quy Nhơn xuất đi các nước. Về diện tích, tỉnh này rộng hơn 15.500km2. Với khoảng 800 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 600 ha là đất bazan phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái…Gia Lai có độ cao so với mực nước biển từ 700m trở lên, khí hậu rất ôn hòa nên thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Dễ hiểu khi thành phố Pleiku được mệnh danh là thành phố giấc ngủ ngon.

Còn về nhân hòa, Gia Lai có tỉnh có gần 1,6 triệu dân với 44 dân tộc anh em… hội đủ các văn hóa. “Vì tỉnh có nhiều dân tộc ở đây nên bất kỳ ai đến với Gia Lai đều nhận sự bao dung, dìu dắt, che đỡ của người quê mình nên dù là nhà đầu tư hay du khách đều thấy được sự đoàn kết, đồng thuận mà không hề lạc lõng”, Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai bộc bạch.

Bứt tốc phát triển

Với những lợi thế có sẵn, Gia Lai đã chuyển hóa thành những thành tựu kinh tế. Những quyết sách chỉ đạo đúng hướng đã đem lại những gam màu sáng cho nền kinh tế của Gia Lai.

Quy hoạch của Gia Lai rất đồng bộ. Ảnh Phan Nguyên

Đó là, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá, GRDP bình quân hàng năm đạt 7,55%, vượt Nghị quyết đề ra (cả nước 6%); giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 8,6% trở lên (cả nước 6,5–7%), riêng năm 2021 tăng 9,71% tăng so với năm 2020.

Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.990 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015; năm 2021 đạt 88.051,68 tỷ đồng, tăng 4,26% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 51,9 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015; năm 2021 đạt 56,31 triệu đồng, tăng 7,82% so với năm 2020.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021 đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 2,42 lần so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 7.881,8 tỷ đồng, đạt 173,1% dự toán Trung ương giao, đạt 156,2% dự toán HĐND tỉnh giao. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 610 triệu USD, đạt 100% KH và tăng 5,17% so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 580 triệu USD).

Điểm qua những con số trên để thấy rằng, Gia Lai đang tăng tốc phát triển đi lên, sáng cùng các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Chưa kể những chính sách thu hút đầu tư, Gia Lai chính là điểm đến hấp dẫn của những tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Rất nhiều nhà máy đã hiện diện ở đây, hoạt động rất hiệu quả, có thể kể đến nhà máy chế biến tinh bột sắn, nhà máy mía đường, nhà máy chế biến sữa, nhà máy chế biến cây ăn quả…

Gia Lai có nhiều chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Ảnh Phan Nguyên

“Những kết quả trên đã góp phần thúc đẩy cho nền kinh tế của Gia Lai, tuy quy mô không bằng một số tỉnh thành khác… nhưng phát triển đồng đều, phát huy được lợi thế của tỉnh”, ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đúc kết.

Phó chủ tịch tỉnh này cũng cho biết, trong thời tới, tỉnh tập trung vào một số lĩnh vực để phát huy hơn nữa các lợi thế. Đó là, tiếp tục phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các loại cây ăn trái có giá trị cao, cây dược liệu…

Tập trung xây dựng hạ tầng kết nối, Gia Lai đang xây dựng kế hoạch phát triển đường cao tốc từ Kon Tum – Gia Lai – Đắk Lắk; đồng thời đề xuất Bộ GTVT mở rộng Cảng hàng không Pleiku để nâng tần suất máy bay loại lớn. Tỉnh cũng đang kêu gọi các dự án về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp…

Nền kinh tế của Gia Lai ngày càng phát triển. Ảnh Phan Nguyên

Ông Cao Huyền Tuấn Anh, Chủ Tiên Sơn Pleiku Homestay (Gia Lai) chia sẻ: Thời gian qua, UBND tỉnh Gia Lai có nhiều sách cởi mở để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác. Nhờ có chủ trương này nên chính quyền cùng các ban ngành, nhân dân và báo chí tuyên truyền rất tốt về du lịch, đặc biệt phát triển mạnh dịch vụ lưu trú trong đó có loại hình Homestay, Farmstay. Nhờ đó tháo gỡ khó khăn và có những định hướng kịp thời để doanh nghiệp hoàn thiện và yên tâm đầu tư vào du lịch… nhằm đưa nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về “đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030” góp phần đưa Gia Lai là điểm đến mới của du khách.

“Tỉnh đang cải cách, cắt giảm thủ tục để tạo ra môi trường đầu tư thân thiện, hòa đồng, bình đẳng luôn đồng hành với doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang rà soát toàn bộ các bộ thủ tục hành chính xem xét cắt giảm để vừa đảm bảo quy định của Nhà nước vừa tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp”, ông Hồ Phước Thành trình bày.