Theo ghi nhận của các doanh nghiệp phân bón, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, giá Urê trên thế giới liên tục tăng từ khoảng 24-50%, tương đương thời điểm đầu năm. Đặc biệt, từ đầu tháng 8, giá mặt hàng này tiếp tục tăng 18-48 USD/tấn so với cuối tháng trước. Trong đó, giá Urê ở khu vực Trung Đông hạt đục tăng 37-48 USD/tấn. Giá Urê tại Trung Quốc tăng từ 35-55 USD/tấn.
Trước tình hình giá Urê thế giới "nhảy múa", các doanh nghiệp phân bón trong nước liên tục thông báo tăng giá bán. Cụ thể, nhà máy Đạm Cà Mau thông báo tăng giá Urê xuất bán tại nhà máy lên mức 10.000 đồng/kg, kho trung chuyển Tây Nam Bộ lên 10.100 đồng/kg, kho trung chuyển miền Trung và miền Bắc lên 10.150 đồng/kg, áp dụng từ 2/8 đến 15/8. Mức tăng dao động từ 500-1.000 đồng/kg.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ đầu tháng 8 cũng thông báo giá Urê mới, trong đó giá Urê Phú Mỹ tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ và miền Trung tăng 700 đồng/kg lên mức 9.900 đồng/kg. Tại kho trung chuyển miền Bắc tăng lên mức 9.800 đồng/kg.
Nhà máy Đạm Ninh Bình thông báo tăng 300 đồng/kg lên thành 9.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 1/8. Nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo điều chỉnh tăng giá bán tại nhà máy 200 đồng/kg lên mức 9.000 đồng/kg.
Ghi nhận trên thị trường, hiện giá các loại phân bón như Kali, NPK, DAP, SA...rục rịch tăng giá bán. Theo đó, giá NPK Phú Mỹ dao động từ 17.300-17.600 đồng/kg, giá NPK Việt Nhật 16.700-17.300 đồng/kg, tăng khoảng 2.500-3.500 đồng/kg so với tháng 6. Giá Kali từ 14.400-15.900 đồng/kg, tăng khoảng 1.500-2.500 đồng so với tháng 6.
Ông Lê Trọng Phúc, Tổng Giám đốc CTCP Hóa chất và Công nghệ Hà Nội cho biết, theo thông lệ, từ tháng 7 đến tháng 9, vụ Hè Thu đã qua và vụ Đông Xuân chưa tới nên thường thị trường phân bón trong nước thường trầm lắng.
Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, Nga và Ukraine đang xúc tiến xuất khẩu ngũ cốc. Nếu đạt được thỏa thuận này, giá ngũ cốc có thể tăng lên. Bên cạnh đó, giá gạo trên thị trường thế giới cũng tăng mạnh sau lệnh hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, và một số nước. Các này sẽ tác động khiến giá phân bón sẽ tăng lên trên toàn cầu và cả Việt Nam.
Ông Phúc nhận định, khi vào cao điểm mùa vụ tháng 9 và tháng 10, ở phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân - là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm, nhu cầu phân bón sẽ tăng cao. Khi đó, giá phân bón sẽ có xu hướng tăng cao. Song theo ông Phúc, giá bán sẽ không "sốt" như hai năm trước.