Ngôi nhà 4 tầng nằm trên miếng đất 43 m2, tại quận Tân Bình, TPHCM là nơi sinh sống của một gia đình nhỏ với hai thành viên. Xây lại nhà vào năm 2017, chủ nhà mong muốn nơi ở hiện đại, tiện nghi nhưng vẫn có được những nét truyền thống.
Lấy cảm hứng từ nhà truyền thống với hàng hiên, không gian đệm, các kiến trúc sư đã tạo cho ngôi nhà một lớp vỏ bọc bên ngoài bằng khung thép cách điệu theo cửa lá sách.
Những lá thép nhỏ được xếp nghiêng 30 độ, có thể lật và xoay giúp ngôi nhà thông gió tự nhiên, điều tiết bầu không khí bên trong và ngoài, nhờ thế nhà nhỏ nhưng không bị cảm giác hầm nóng.
Trên đỉnh nhà có tháp gió, hút gió từ dưới lên trên, đồng thời để gió trượt qua lớp mái cong, giúp bầu không khí trong nhà luôn được lưu thông.
Để làm tháp gió, có nghĩa mái nhà phải vút lên cao. Mái nhà này vừa gợi liên tưởng đến mái đình trong ký ức của chủ nhà về quê hương Bắc bộ, vừa như biểu hiện đức tin của chủ nhà vốn là những người Thiên chúa giáo mộ đạo.
Ngoài ra, mái dốc còn có giá trị thu nước khi trời mưa hay biến thành nơi ngồi chơi thú vị cho gia chủ những khi trời đẹp.
Để thông gió tối đa, trong nhà có một khoảng thông tầng lớn. Đây cũng là một giải pháp dự trù cho những biến động trong tương lai: khi gia đình có thêm thành viên, cần thêm các nhu cầu vật chất, có thể lắp thêm sàn gỗ để tăng diện tích sinh hoạt.
Sàn gỗ rỗng với những thanh gỗ xếp như một hệ lam, cầu thang bậc rỗng, lan can làm bằng thép mảnh, tất cả đều góp phần giúp thông gió tự nhiên và tăng cường giao tiếp giữa các thành viên gia đình.
Một phần gỗ lát sàn được tận dụng lại từ ngôi nhà cũ. Ngói của nhà cũ cũng được tái sử dụng để trang trí, ốp tường.
Nhờ tận dụng tối đa các vật liệu cũ, công trình có chi phí xây dựng và mua sắm nội thất khoảng 1,2 tỷ cho tổng diện tích sàn khoảng 150 m2.
Gỗ, ngói kết hợp với trần bê tông họa tiết tre, tạo nên không gian sống gần gũi.
Sau gần 2 năm sử dụng, gia chủ cảm thấy hài lòng với ngôi nhà vì thoáng, mát.
Nhờ những giải pháp thông thoáng, công trình đã đạt giải kiến trúc xanh năm 2018, giải ngôi nhà mơ ước năm 2019 và được tạp chí chuyên về thiết kế và nội thất MARU (Hàn Quốc) giới thiệu trên trang nhất.
Bản vẽ mặt cắt.
Bản vẽ mặt bằng.