Giá cá tra tăng cao: Vui thôi đừng vui quá

TPO - Giá cá tra đang tăng cao nhưng thực tế tỷ lệ người nuôi vui mừng chưa được 10% vì thời điểm này không mấy người có cá để bán. Thời gian qua, nhiều người phải “treo ao” hoặc “ngâm cá” nên quá lứa…

Trao đổi bên lề hội nghị triển khai phát triển ngành hàng cá tra năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tại Cần Thơ sáng 25/2, ông Nguyễn Ngọc Hải (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) nói: “Tôi nói thật là giá 30.000 đồng/kg vẫn chưa xứng đáng với người nuôi cá tra, nhưng thị trường nó là vậy, mai mốt giá lại sụt thì sao?”

Là người có thâm niên nuôi cá tra hàng chục năm nay, ông Nguyễn Ngọc Hải xác nhận, giá cá tra thương phẩm hiện ở mức khoảng 30.000 đồng/kg, tăng cao so với hơn 2 năm qua. Với giá này, người nuôi lãi khoảng 5.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ nông dân vui mừng chưa được 10% vì thời điểm này không mấy người có cá để bán, do thời gian qua phải “treo ao” hoặc “ngâm cá” nên quá lứa…

Theo ông Hải, giá lên xuống cũng là quy luật thị trường, có thể sụt giảm trong nay mai. “Thị trường là vậy, biết làm sao, tại vì đầu ra là do doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, tùy theo thị trường này châu lục nọ, khi DN xuất khẩu được giá tốt thì mới quay lại mua giá tốt cho nông dân” – ông Hải nói.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: Cảnh Kỳ

Cảnh báo hệ lụy thả nuôi ồ ạt

Ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cảnh báo, có thể có hiện tượng một số DN thấy tình trạng khan hiếm cá tra nên đã nâng giá thu mua lên nhằm “kích thích” để người nông dân đẩy mạnh nuôi, nhằm mục đích hưởng lợi. “Khi nông dân nuôi nhiều, dẫn đến cung vượt cầu, khiến giá sụt giảm, DN sẽ hưởng lợi vì được mua trả chậm với giá thấp...” - ông Hùng nói.

Ông Như Văn Cẩn – Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho hay, năm 2021, ngành hàng cá tra nước ta đã vượt qua đại dịch, duy trì chuỗi sản xuất, cung ứng. Từ đầu năm 2022, giá cá tra đã tăng rất cao là cơ hội để người dân, DN tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng lạm dụng trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng...

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các tháng mùa khô năm 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong (trạm Kratie, Campuchia) về ĐBSCL khả năng thiếu hụt từ 10-15% so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn TBNN, khả năng tập trung trong khoảng tháng 2-4; nguồn nước giảm và tình trạng xâm nhập mặn tiềm ẩn rủi ro về dịch bệnh…., các địa phương cần lưu ý để có giải pháp giảm thiểu thiệt hại.

VASEP dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 tăng 20-22% so với năm 2021. Ảnh: Cảnh Kỳ

Bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra năm 2021 đạt 1,6 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2020. Sản phẩm cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 133 thị trường, đóng góp 18% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Dự báo năm 2022, thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt. Nhóm 4 thị trường chính gồm Trung Quốc, Mỹ, CPTPP và EU đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra sẽ tăng khoảng 20-22% so với năm 2021; giá cá xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%…

Mặc dù dự báo khả quan, song theo bà Lan, nên đánh giá và định hướng người nuôi, cân bằng cung cầu nhằm tăng lợi nhuận và giá trị cho ngành cá tra. “Tuy phục hồi nhưng vẫn còn thách thức cho chuỗi cung ứng. Chi phí leo thang, tình hình vận tải biển vẫn chưa có giải pháp tích cực. Lạm phát tại Mỹ có thể khiến sức mua giảm, sức tăng đột biến như năm 2021 khó xảy ra...” – bà Lan nói.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất đạt sản lượng 1,6-1,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.