Ghi sai chỉ số công tơ điện: EVN nói chỉ là sai sót cá nhân

TP - Về ba trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh, ngày 23/6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm giám đốc đơn vị và cá nhân liên quan việc ghi sai chỉ số công tơ mà không phát hiện được khi ghi, kiểm tra, phúc tra chỉ số. 

EVN cho hay, đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc kịp thời cung cấp thông tin đến các cơ quan báo chí kết quả kiểm tra, xử lý các ý kiến phản ánh sai chỉ số công tơ và thực hiện nghiêm túc việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề.

“Các trường hợp phát hiện sai sót phải thực hiện xử lý hoá đơn tiền điện cho khách hàng đúng quy định, có thông báo cụ thể và biên bản làm việc với khách hàng”, EVN thông tin. Đại diện EVN nói rằng, một số sai sót về việc ghi chỉ số tiêu thụ điện trong thời gian qua là những sai sót cá nhân, hệ thống phần mềm quản lý chỉ số điện năng của EVN hoạt động bình thường, hiệu quả, góp phần giảm thiểu sự sai sót và can thiệp của con người.

Theo số liệu của EVN, đến ngày 20/6, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5.

“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN tổ chức đoàn công tác với sự tham gia của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Hội Bảo vệ Người tiêu dùng để kiểm tra, xác minh việc hoá đơn tiền điện tăng trong thời gian qua. Bất kỳ phản ánh nào của khách hàng về việc tiền điện tăng cao được phản ánh trực tiếp về các tổng đài chăm sóc khách hàng của 5 Tổng Công ty Điện lực, các đơn vị điện lực sẽ phải thực hiện việc giải đáp trong vòng 24h”, EVN thông báo.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào khoảng 14h ngày 23/6, công suất tiêu thụ hệ thống điện toàn quốc đạt mức cao nhất từ trước đến nay - 38.300 MW. Công suất tiêu thụ hệ thống điện của miền Bắc và thành phố Hà Nội trưa 23/6 cũng lập kỷ lục mới (với hệ thống điện miền Bắc là 19.500 MW và Hà Nội là 4.435 MW). EVN cho hay, đã chủ động chuẩn bị phương án huy động cao các nguồn điện để đảm bảo cung cấp điện.

Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày, ban đêm cũng oi bức. Đối với các hộ gia đình, nắng nóng gay gắt kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới nguy cơ quá tải, sự cố gây cháy nổ...

Hơn 3,1 triệu khách hàng có mức dùng điện tăng hơn 30% trong tháng 5

Số liệu thống kê của ngành điện cho thấy, có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92% khách hàng) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.

Dự kiến, kỳ hoá đơn tháng 6 còn tăng cao hơn do liên tiếp có các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng mạnh so với tháng 5. Theo thống kê, mới đến ngày 20/6, đã có tới hơn 7,22 triệu khách hàng sinh hoạt (chiếm 27,77% khách hàng) có mức tiêu thụ điện cao hơn 30% so với tháng 5 (gấp 2,33 lần so với tháng 5).

“Số khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 50% là hơn 4,4 triệu (gấp 4,4 lần so với tháng 5), đồng thời có hơn 326 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 5 trước đó”, EVN cho hay.

Cách dùng điện tiết kiệm

Các chuyên gia kỹ thuật cho biết, với điều hòa nhiệt độ, khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 1 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 5 độ C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%.

Dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi, lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều. Việc mở cửa ra vào nhiều, đóng mở tủ lạnh nhiều lần cũng gây thất thoát nhiệt, làm cho lượng điện tiêu thụ có thể tăng đến 17%. 

Các chuyên gia kỹ thuật khuyến cáo, nên sử dụng quạt kết hợp khi bật điều hoà đặt ở mức 26-27 độ trở lên vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ. Ngoài ra, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện…) để hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao.

Theo tính toán, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hoà nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ. Thục Quyên