Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng nghiên cứu, sửa đổi chính sách với người có công. Tới nay, cơ bản người có công đã được xác nhận. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, do chiến tranh, cơ quan quản lý, bản thân người tham gia kháng chiến, thân nhân không còn giữ giấy tờ, bằng chứng gì về hoạt động cách mạng. Nên các cơ quan chức năng khó xác nhận họ là người có công.
Với 498 trường hợp liệt sĩ được trao bằng Tổ quốc Ghi công lần này, theo người đứng đầu Quốc hội, là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ LĐ-TB&XH. “Đây là hoạt động thiết thực, nhiều ý nghĩa nhất trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ”, bà Ngân nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên ơn những thế hệ người Việt đã ngã xuống. Đảng và Nhà nước sẽ làm hết sức, tìm mọi giải pháp xác nhận, thực hiện chính sách ưu đãi với người có công và thân nhân.
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, từ năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH thí điểm giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng bằng các biện pháp mới và mở rộng trên phạm vi cả nước từ năm 2017. Trong số 498 liệt sỹ được công nhận lần này, có 94 liệt sỹ hy sinh từ thời kỳ chống Pháp cách đây hơn 70 năm, đặc biệt 1 liệt sỹ đã hy sinh cách đây 75 năm… nay mới được công nhận liệt sĩ.