Gần 43.000 trẻ mầm non được tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến

TPO - Gần 43.000 trẻ ở 196 trường mầm non được tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến, góp phần đẩy mạnh việc lấy trẻ làm trung tâm và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.

Từ năm 2017 đến năm 2021, VVOB (Tổ chức Hợp tác Phát triển và Hỗ trợ kỹ thuật Vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ) đã triển khai thành công Dự án “Giảm thiểu rào cản đối với hoạt động học tập của trẻ mầm non tại các huyện khó khăn và có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống” (BAMI) tại địa bàn ba tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum.

Dự án tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý cấp Sở, Phòng GD&ĐT, hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường tại các cơ sở giáo dục mầm non nhằm giải quyết các rào cản về giới, ngôn ngữ và môi trường.

Sau 5 năm triển khai, dự án BAMI đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại nhiều thay đổi có ý nghĩa cho cán bộ quản lý cấp sở phòng, cán bộ quản lý và giáo viên các trường mầm non, đặc biệt là những thay đổi tích cực ở trẻ mầm non tại những địa phương tham gia như:

Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho gần 3.000 giáo viên mầm mon và 500 cán bộ quản lý thuộc 18 huyện của 3 tỉnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia từ VVOB.

196 trường mầm non với gần 43.000 trẻ mầm non (trong đó 64% là trẻ dân tộc thiểu số) được tiếp cận với phương pháp giáo dục tiên tiến, góp phần đẩy mạnh việc “lấy trẻ làm trung tâm” và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh.

Bộ tài liệu Quan sát trẻ theo quá trình và Học thông qua chơi có đáp ứng giới do VVOB biên soạn được Bộ GD&ĐT thẩm định để được phép sử dụng trên phạm vi cả nước. Phương pháp tiếp cận Quan sát trẻ theo quá trình (POM) cũng đã được mở rộng đến sáu tỉnh khác ngoài dự án BAMI, được các trường đại học giáo dục và cao đẳng đào tạo có uy tín lựa chọn để đưa vào chương trình đào tạo mầm non.

Bà Kirsten Schraeyen, trường đại học Thomas More, Bỉ chia sẻ Việt Nam và Bỉ đều có đa dạng các cộng đồng khác nhau (dùng ngôn ngữ khác nhau. Về cơ bản, các trường học ở Bỉ là trường học đơn ngữ (tức là chỉ dùng 1 ngôn ngữ chính) - điều này giống với các trường ở Việt Nam. Chính điểm này tạo ra thách thức giống nhau ở cả Bỉ và Việt Nam khi trẻ có thể dùng 1 ngôn ngữ khác ở nhà và cần phải học một ngôn ngữ khác khi đến trường.

Từ tháng 9 năm nay, thì trẻ em ở Bỉ sẽ phải trải qua 1 kỳ sàng lọc ở lớp cuối của mầm non để xem các em có đủ điều kiện về kỹ năng ngôn ngữ trước khi vào lớp 1 không. Nếu không, các em sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các chương trình hỗ trợ tích hợp - điều này ở Việt Nam chưa có.

Được biết, trên nền tảng vững chắc do chương trình BAMI đặt ra, chương trình 5 năm tiếp theo mang tên TALK của VVOB sẽ tiếp tục nhân rộng phương pháp quan sát của trẻ và sự suy ngẫm của giáo viên với ứng dụng tập trung vào việc tạo ra môi trường học tập phong phú về ngôn ngữ và giảng dạy phân hoá để hỗ trợ cho trẻ em một cách tốt nhất. Cũng như ở BAMI, VVOB sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu để cung cấp cơ sở bằng chứng về hiệu quả của các phương pháp tiếp cận đổi mới và hỗ trợ việc phổ biến rộng rãi các phương pháp này.