Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư cả về kinh tế đến xã hội là thời gian thực hiện dự án đầu tư dài, hầu hết các dự án đầu tư - xây dựng kéo dài, chậm tiến độ. Nguyên nhân “tắc” ở hầu hết các giai đoạn: chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án đầu tư, đưa dự án vào sản xuất, sử dụng...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh chỉ ra rằng: Những năm gần đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm khoảng 7,28%, gần 40% GDP hằng năm dành cho đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, hạ tầng, kỹ thuật hạ tầng xã hội. Các nguồn vốn đầu tư và các hình thức đầu tư xây dựng ngày càng đa dạng nhằm huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Những dự án đầu tư xây dựng đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong xu thế hội nhập quốc tế và khu vực.
Tuy nhiên, trên thực tế, hàng chục nghìn các dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai đầu tư hầu hết bị kéo dài và chậm tiến độ, nhất là các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách và các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước.
Hơn 20 bản tham luận của các đại biểu, các cán bộ có uy tín và kinh nghiệm trong ngành xây dựng và quản lý xây dựng cũng đã được trình bày tại Hội thảo, tập trung nêu rõ những hiện trạng còn tồn tại trong công tác đầu tư xây dựng và nêu lên các giải pháp thiết thực góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến thời gian thực hiện dự án đầu tư ở Việt Nam.
Hội thảo “Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” được tổ chức nhằm nhận diện một cách đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến đa số các dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam bị kéo dài, chậm tiến độ và chưa có hiệu quả. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo đều thừa nhận, để giải quyết một loạt những vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện dự án xây dựng, Hội thảo là chưa đủ, mà phải cần nhiều biện pháp quyết liệt từ Nhà nước.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội bỏ rất nhiều vốn đầu tư vào các dự án xây dựng (chiếm khoảng 40% GDP), nhưng tỷ lệ lớn trong số đó lại chậm hoàn thành, dẫn đến sản xuất đình trệ, nguồn vốn không được quay vòng kịp thời, lãi suất vẫn phải trả, trong khi thiếu công trình cho xã hội và người dân. Do đó, các cơ quan quản lý cần có giải pháp quyết liệt, sớm khắc phục tình trạng để đẩy nhanh tiến độ các dự án, khi đó mới hy vọng nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng.
Được biết, Tổng hội Xây dựng Việt Nam sẽ tập hợp ý kiến từ các báo cáo khoa học tại Hội thảo và trình lên Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cho các dự án xây dựng…
Vũ Như
Tổng hội Xây dựng Việt Nam