Sóc Sơn, Hà Nội:

Gần 300 giáo viên nguy cơ mất việc, vì đâu?

TP - Vừa qua, hơn 100 giáo viên trong tổng số 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có buổi gặp gỡ báo chí. Trong số này, có nhiều thầy cô tóc đã muối tiêu, đã lên đến chức ông, chức bà. Nhưng rất có thể, chỉ vài tháng nữa thôi, họ sẽ trở thành người thất nghiệp.
​ Hơn 100 giáo viên hợp đồng chia sẻ nỗi niềm với phóng viên Tiền Phong ảnh:Nghiêm Huê

53 tuổi thi công chức thế nào?

Trò chuyện với phóng viên, hơn 100 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nhiều người không cầm được nước mắt. Cô Bùi Hương Lan, giáo viên dạy Văn trường THCS Đức Hòa, Sóc Sơn cho biết cực chẳng đã mới phải như thế này. Trong 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn, người tham gia giảng dạy ít nhất 5 năm, người nhiều nhất đã gần 28 năm và họ đều đạt trên chuẩn theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Nhưng những thay đổi liên quan đến thi tuyển viên chức hiện nay của Chính phủ khiến các giáo viên hợp đồng của huyện có nguy cơ  mất việc. 

Không giấu nổi vẻ thất vọng, cô Đỗ Thị Dung, trường THCS Minh Phú cho hay công tác trong ngành đã 19 năm, chỉ còn 2 năm nữa về hưu. Bây giờ  nếu thi công chức không đỗ, cô đi xin việc khác thế nào? Dưới 50 tuổi xin việc đã khó, giờ cô 53 tuổi rồi, nơi nào còn nhận cô nữa. Cô cũng đã “đánh động” nguy cơ này đối với các con. Các con cô cũng rất buồn, chỉ biết động viên mẹ. Chồng cô mất đã lâu, một mình cô gồng gánh nuôi con ăn học. Tuy giờ các con đều đã có thu nhập, nhưng nếu mất việc, cô cũng chưa hình dung được mình sẽ làm gì.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số 256 giáo viên, còn có rất nhiều người có hoàn cảnh éo le. Cô Lê Thị Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn trường THCS Minh Phú đã có 26 năm trong nghề. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường ĐH Sư phạm 2, về cống hiến sức trẻ, tuổi thanh xuân của mình cho nền giáo dục huyện Sóc Sơn từ năm 1993. Ngày đó, cô vẫn còn nhớ, về Sóc Sơn, cô được chào đón như “người hùng” vì các giáo viên ở đây đa số là trình độ trung cấp và trình độ cao đẳng.

“Kể từ đó đến nay đã 26 năm, tôi chưa một lần được thi viên chức vì trước kia, có một lần tổ chức, điều kiện là phải có hộ khẩu Hà Nội. Bởi vậy, sau 26 năm, tôi vẫn “treo giò” với cái tên Hợp đồng huyện” - cô Nguyệt tâm tư. Chính vì vậy, cô có cái thiệt hơn so với các giáo viên khác trong cùng môi trường, làm chung một công việc là không được hưởng phụ cấp thâm niên. Nhưng cô không ngừng phấn đấu. Gần 10 năm liên tiếp cô đạt danh hiệu lao động giỏi cấp huyện và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô cũng từng phấn đấu là tổ trưởng chuyên môn.  Nhận được quyết định thi viên chức của huyện năm nay, theo cô Nguyệt, với 256 giáo viên trong đó có cô thì đây là một “thảm kịch”.

Ông bà thi cùng… con cháu

Trong số những giáo viên hợp đồng, có rất nhiều các thầy giáo đã luống tuổi. Khi các đồng nghiệp nữ sẵn sàng bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình thì các thầy ngồi trầm ngâm, lặng lẽ. Trong số các thầy là giáo viên hợp đồng, người ít nhất đã đi dạy được 6 năm, người nhiều nhất là 24 năm. Giờ đi thi viên chức cùng với các thế hệ con cháu, học trò của mình cũng là một cái khó cho các thầy.

Thầy Bùi Văn Chính, giáo viên dạy môn Vật lý - Tin học trường THCS Đồng Sơn đã đưa ra những bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên của huyện. Theo thầy Chính, các quận huyện khác ký hợp đồng 9 tháng, không tăng lương, không đóng bảo hiểm, còn  huyện Sóc Sơn ký hợp đồng rải rác cho các giáo viên từ năm 1993 đến 2013. Hợp đồng không ghi rõ thời hạn bao nhiêu năm. Chế độ được hưởng như một viên chức bình thường, giáo viên chỉ không được hưởng thâm niên, không được làm lãnh đạo, Còn lại được tăng lương, tham gia các cuộc thi từ cơ sở đến trung ương.

Vướng chính sách

Ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết theo quy định mới, 256 giáo viên này bắt buộc phải thi. Ngoài những ưu tiên liên quan đến đối tượng chính sách thì họ không có bất kỳ một ưu tiên khuyến khích nào khác. Tức là họ phải “chiến đấu” sòng phẳng như những giáo viên mới vào nghề.

Ông Lê Hữu Mạnh lý giải, trong số 256 giáo viên hợp đồng của huyện có 26 người công tác trên 20 năm. Những người còn lại, thời gian công tác ít nhất là 5 năm.  Hình thức hợp đồng thì được ông Mạnh cho biết có 3 hình thức: trước khi có luật viên chức, huyện ký hợp đồng với giáo viên, một số trường hợp là ký hợp đồng với thành phố. Còn từ khi có luật viên chức thì ký hợp đồng với trường. Tuy nhiên, 256 giáo viên hợp đồng trên, đều ký với huyện hoặc với thành phố. 

Việc ký hợp đồng dựa trên cơ sở thiếu giáo viên của các trường đề xuất lên. Giáo viên tiểu học có nhiều đợt thi tuyển, THCS thì có một số môn thi. Nhưng trong số này, có 60 giáo viên dạy môn Ngữ văn trong 20 năm qua, họ không được dự thi một lần nào do huyện thừa giáo viên?! “Thừa giáo viên sao vẫn ký hợp đồng với họ?”. Trước câu hỏi này, ông Mạnh cho rằng do lịch sử để lại. 

Đã cố gắng hết mức để giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng theo hướng nhân văn, nhưng theo quy định hiện nay không làm được như thế nữa, ông Mạnh cho biết.