Gần 1.400 công ty công nghệ số Việt Nam mạnh mẽ vươn ra thế giới

TPO - Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Rynan – sản phẩm Make in Việt Nam đã được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản, dự kiến hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường khó tính này. Đây là một trong hàng nghìn sản phẩm Make in Việt Nam vươn ra thế giới thời gian qua.

Gần 1.400 công ty công nghệ số Việt Nam vươn ra thế giới

Năm 2021, Hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Rynan được vinh danh giải bạc sản phẩm số Make in Việt Nam. Đây là giải thưởng của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam.

Chỉ trong vòng một năm, hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Rynan đã tăng trưởng 96%, mạng lưới đã lắp đặt trên 13 tỉnh ĐBSCL. Trong năm 2022, sản phẩm được cấp phép thương mại tại thị trường Nhật Bản. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.

Đây là một trong hàng nghìn các sản phẩm Make in Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số đã vươn ra toàn cầu thời gian qua.

Tại Diễn đàn Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 sáng nay (8/12), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành năm 2022 ước đạt được 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021, xuất khẩu của ngành công nghệ số ước đạt khoảng 136 tỷ USD.

“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Long chia sẻ.

Các doanh nghiệp được vinh danh giải thưởng Make in Việt Nam năm 2022. Lễ trao giải diễn ra sáng nay, trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Tại họp báo Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 4 năm 2022, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông cho biết, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 1.400 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm vươn ra toàn cầu.

Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp Việt Nam đang vươn ra nước ngoài rất mạnh mẽ, cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, FPT.

Một điểm đáng mừng, theo ông Nghĩa là trước đây 10 năm, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chủ yếu sản xuất một số công đoạn của sản phẩm hoặc theo đặt hàng, thì gần đây, có khoảng 50-60% các doanh nghiệp đã sản xuất hoàn thiện toàn bộ sản phẩm. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt đang nâng tầm giá trị của chính mình.

Ông Nghĩa cho biết thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, tích cực đưa các sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam đến rộng rãi hơn với thị trường quốc tế thông qua các đợt triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

Đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Tại Diễn đàn sáng nay (8/12), đại diện các doanh nghiệp cho rằng, tiềm năng phát triển của kinh tế số còn rất lớn.

Nhiều sản phẩm Make in Việt Nam được trưng bày tại Triển lãm Make in Việt Nam diễn ra hôm nay (8/12).

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC chia sẻ, năm 2021, quy mô kinh tế số của 12 nền kinh tế được chọn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) là 586 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 30% tổng tiềm năng của kinh tế số. Nếu lợi ích của kinh tế số được khai thác đầy đủ, 12 quốc gia này có thể thu thêm được 2.200 tỷ USD vào năm 2030.

Cùng với thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cũng cho rằng, thị trường trong nước là rất lớn. Theo ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, Việt Nam còn rất nhiều bài toán cần công nghệ thông tin giải quyết, bài toán trong lĩnh vực kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số.

Các doanh nghiệp cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp số cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Đại diện Tập đoàn Viettel đề xuất, Chính phủ có chính sách để tạo dựng thị trường nội địa cho các sản phẩm công nghệ cao Make in Việt Nam đồng thời thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao phát triển. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường các chương trình xúc tiến, hợp tác quốc tế với các Chính phủ/Bộ ngành của quốc gia trong chiến lược chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT đề xuất, Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ, đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số Quốc gia và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục có những hoạt động dẫn dắt định hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững với tư tưởng xuyên suốt là các sản phẩm Việt Nam, do người Việt Nam làm chủ công nghệ sáng tạo sản xuất Việt Nam, hướng tới mục tiêu cao nhất, giúp người dân hạnh phúc, đất nước phát triển.