Nếu tính cả 3 tỉ đô-la cổ phiếu sẽ tặng cho các nhà sáng lập và nhân viên WhatsApp mang tính hạn chế không được bán trong vòng 4 năm thì giá mua một doanh nghiệp chỉ mới thành lập cách đây 5 năm, có dịch vụ tương tự Viber hay Line có thể lên đến 19 tỉ đô-la.
Thế mà cách đây mấy hôm khi doanh nghiệp Nhật Bản, Rakuten mua lại Viber với giá 900 triệu đô-la, nhiều nhà phân tích đã than giá quá cao. Nay không biết họ sẽ bình luận gì về thương vụ đáng kinh ngạc này.
Trước mắt, báo chí Mỹ đã gọi đây là “giá điên khùng” vì WhatsApp chỉ có 55 nhân viên. Hiện nay WhatsApp có 450 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng, 70% số đó dùng thường xuyên hàng ngày. Mỗi ngày WhatsApp thu hút thêm 1 triệu người dùng.
Dịch vụ chủ yếu của WhatsApp là cho phép người dùng gởi tin nhắn miễn phí đi khắp thế giới, kể cả tin nhắn là hình ảnh hay video. Cũng như Viber, WhatsApp đi theo mô hình không quảng cáo, người dùng tải phần mềm về miễn phí nhưng sau đó hàng năm sẽ trả phí 0,99 đô-la. Hàng ngày họ phải xử lý chừng 50 tỷ tin nhắn trên 7 nền tảng, số lượng tin nhắn gần bằng tổng lượng tin SMS của các hệ thống di động.
Trong một tuyên bố viết sẵn, CEO của Facebook Mark Zuckerberg cho rằng “WhatsApp đang gần đến mốc kết nối 1 tỷ người. Những dịch vụ đạt đến mốc đó đều cực kỳ có giá trị”.
Theo thỏa thuận do hai bên vừa công bố, nhà sáng lập và là CEO của WhatsApp là Jan Koum sẽ tham gia Hội đồng quản trị Facebook nhưng WhatsApp sẽ tiếp tục hoạt động độc lập bên trong Facebook, như mô hình của Instagram.
Trong trường hợp cơ quan quản lý không cho phép vụ sáp nhập này thì Facebook sẽ trả cho WhatsApp 2 tỉ đô-la tiền đền bù (gồm 1 tỉ đô-la tiền mặt và 1 tỉ đô-la cổ phiếu).