Đó là tâm sự của chị Trần Thị Mỹ Việt (42 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) sau khi trở về từ khu cách ly tập trung vì mắc COVID-19. Hiện chị Việt đang tự cách ly tại nhà và tiếp tục chiến đấu với COVID-19.
Hành trình đến khu cách ly tập trung…
“Khổ, thê thảm, nhớ suốt đời…”- chị Việt thốt lên khi kể về hành trình từ lúc biết mình mắc COVID-19 cho đến khi đi cách ly tập trung.
Khoảng đầu tháng 7, công ty chị Việt là nơi có ca mắc COVID-19. Ngay sau đó, chị được công ty cho nghỉ ở nhà và tự cách ly. Ngày 14/7, chị Việt bắt đầu phát bệnh. Tối hôm đó, chị không ngủ được, người mơ màng và rất mệt mỏi.
Ngày hôm sau, chị Việt đi mua thuốc về uống và các triệu chứng có giảm. Tuy nhiên, do lo sợ mình bị nhiễm COVID-19, sáng ngày 16/7, chị Việt quyết định đến Bệnh viện Quân y 175 làm xét nghiệm.
Sau khoảng 20 phút lấy mẫu, chị Việt nghe trên loa phát thanh bệnh viện đọc tên mình, yêu cầu đến phòng khám. Tại đây, chị Việt được các bác sĩ lấy mẫu 1 lần nữa rồi dẫn chị vào khu cách ly của bệnh viện ngồi chờ, lúc đó là 10 giờ sáng cùng ngày. “Lúc này, ở khu cách ly có tầm 9-10 người, tôi hỏi các nhân viên vì sao phải ngồi đây thì họ nói, test nhanh tôi dương tính nên phải làm xét nghiệm PCR, nhiều người cũng ở đây rồi sau đó lại được về nhà do kết quả âm tính”- chị Việt nhớ lại.
Đến 12 giờ trưa, chúng tôi gọi mỗi người 1 hộp cơm và 1 chai nước nhưng vì lo lắng nên không ai nuốt nổi cơm. Đợi đến gần 12 giờ đêm, các nhân viên y tế đến phát cho chúng tôi mỗi người 1 bộ đồ bảo hộ và yêu cầu mặc vào để đi cách ly tập trung. 9 người được đưa lên 2 xe cấp cứu đến khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức).
Đến nơi, chúng tôi không được xuống xe vì phải chờ điều phối phòng. “Nhìn qua cửa kính, tôi thấy hàng chục xe 50 chỗ, xe cấp cứu nháy đèn liên tục đang xếp hàng dài để chờ đến lượt. Một khung cảnh u ám mà tôi chưa từng thấy và nghĩ đến…”, chị Việt kể.
Chờ một hồi thì cũng đến lượt nhận phòng. Chị Việt được xếp ở cùng hai người phụ nữ khác trong 1 căn hộ 2 phòng ngủ nằm ở tầng 16. Mỗi người chúng tôi được phát 1 tấm thảm để nằm. Ngoài ra, mỗi phòng còn có 1 bịch xà phòng, 1 ấm đun siêu tốc và 1 cây chổi quét nhà.
Sau khi cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, người tôi ướt sũng vì mồ hôi. Qúa mệt mỏi sau một ngày dài và cũng chẳng có bộ đồ nào để thay, tôi đành mặc vậy và nằm ngủ trên bộ đồ ướt mồ hôi…
Từ sợ hãi đến chủ động sống chung…
Sau đêm đầu tiên ở khu cách ly tập trung, chị Việt tỉnh dậy trong tâm trạng sợ hãi, hoang mang. Trong phòng có một người lớn tuổi hơn chị Việt, tâm trạng rất bi quan, một người còn lại nhỏ tuổi hơn chị nhưng triệu chứng có vẻ nặng, ho rất nhiều. Tuy nhiên, do sống 1 mình đã lâu nên từ khi có dịch COVID-19, chị Việt tìm hiểu rất kỹ về căn bệnh này để tự mình bảo vệ mình.
“Nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tôi xác định mình sẽ phải sống chung với con virus corona và ít nhất cũng phải ở khu cách ly này 21 ngày. Tôi trấn an, động viên hai chị em còn lại trong phòng để cùng nhau dọn dẹp phòng cho sạch sẽ…”, chị Việt kể.
Sau khi dọn phòng, chị Việt điện thoại nhờ người thân về nhà lấy đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, nhà chị giờ đã bị phong tỏa nên đành “cầu cứu” người bạn ở gần khu cách ly mua giúp rồi gửi vào. Những thứ chị nhờ bạn mua gồm mấy bộ áo quần, gừng, chanh, sả, trái cây và các loại thuốc kháng sinh.
Chị Việt cho biết, ngay trong ngày, bạn chị đóng thùng gửi hàng vào khu cách ly nhưng do quá tải, hai ngày sau chị mới nhận được. Những ngày trong khu cách ly, cơm cũng không nuốt nổi do cơm sống nhiều hơn cơm chín. “Khổ lắm nhưng mình cũng phải thông cảm cho ngành y tế, thật sự rất quá tải, họ cũng rất vất vả. Vấn đề với tôi giờ đây là đối phó với virus chứ không phải những thiếu thốn, khó khăn này…”, chị Việt kể lại.
Đến ngày thứ 5, tình trạng chị Việt trở nặng. Chị mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy, khó thở và mất ngủ… Lúc này, tôi tích cực xông hơi mũi, miệng bằng chanh, sả, gừng. Mỗi ngày xông 3- 4 lần kèm với uống thuốc.
Đến ngày thứ 8, sức khỏe chị Việt bắt đầu ổn hơn. Ngày thứ 9, chị được nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm.
Những ngày sau đó, chị Việt tiếp tục tự trị bệnh cho mình bằng cách xông sả, gừng vào mũi, miệng. Lúc nào sốt, mệt thì uống thuốc và đặc biệt là không uống nước lạnh, phải dùng nước ấm. Tâm lý luôn giữ cho mình được thoải mái nhất.
Sau chuỗi ngày kiên cường chiến đấu với dịch bệnh ở khu cách ly, ngày thứ 12, phòng chị đón nhận tin vui từ cơ quan y tế khi cả 3 được cho về nhà cách ly. Cả ba tạm biệt nhau và rời khu cách ly để trở về nhà, kết thúc chuỗi ngày không dài nhưng không thể nào quên…
Diệt tận gốc virus…
Trở về để cách ly y tế tại nhà, chị Việt tự nhận mình may mắn hơn nhiều người khác khi ở chung cư nhưng chỉ sống 1 mình. Việc cách ly y tế khá suôn sẻ mà không lo ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Dù được xuất viện về nhà nhưng sức khỏe của chị Việt vẫn còn khá yếu, vị giác, khứu giác vẫn chưa thể lấy lại và đặc biệt là khó thở, mất ngủ, thiếu tập trung. “Tôi xác định là virus corona vẫn còn trong người vì thế mình phải tiếp tục chiến đấu và diệt tận gốc nó. Phải xem nó là kẻ thù của mình, không thể để nó tồn tại trong người mình được”, chị Việt nói.
Theo đó, chị Việt tiếp tục các phương pháp điều trị mình đã làm từ trong khu cách ly. Hàng ngày chị xông sả, gừng, bổ sung các loại vitamin bằng trái cây. Tập thể dục nhẹ, tập thở để hồi phục phổi.
Chị Việt cho biết, sau hơn 10 ngày trở về nhà sức khỏe của mình đã hồi phục được khoảng 90%, vị giác và khứu giác đã dần lấy lại được. “Theo kế hoạch, đến ngày thứ 14 chị sẽ gọi thông báo với ngành y tế để họ đến lấy mẫu xét nghiệm và có hướng dẫn tiếp theo.
“Với tôi, tâm lý là một trong những liều thuốc quan trọng. Bản thân mình phải lạc quan, phải chủ động đối phó với nó. COVID-19 không khác gì căn bệnh ung thư, nó sẽ tấn công bạn rất mạnh nếu bạn chán nản, buồn rầu và lo lắng”, chị Việt chia sẻ.