Phạm Tuyết Mai (SN 1991), SV năm thứ ba ngành Kế toán (ĐH Công đoàn, Hà Nội) kinh doanh trong hệ thống phân phối sản phẩm của Cty mỹ phẩm Oriflame (Thụy Điển). Sau hai năm, Mai vừa trở thành Giám đốc hệ thống kinh doanh khi tròn 20 tuổi.
Vừa biết kết quả đỗ ĐH, Mai được bạn giới thiệu về Oriflame. Thừa hưởng máu liều trong kinh doanh của bố và khả năng giao tiếp của mẹ, Mai nhiệt tình tham gia. “Ngay ngày đầu tiên mình bán hàng được 6 triệu đồng - Bước khởi đầu thuận lợi với một người mới tập kinh doanh”, Mai kể.
Thời gian đầu khi bắt xây dựng hệ thống, Mai thất bại trong việc giữ người. Hệ thống có được 10-15 người, nhưng sau thời gian ngắn không còn ai. Sau hai lần xây dựng không thành công, Mai rút ra bài học: sự phát triển nhóm tỷ lệ thuận với sự phát triển bản thân, mình phải có kiến thức và lối sống tốt, mọi người mới theo. Hai tháng sau, Mai phát triển hệ thống với 40 người, doanh số hơn 40 triệu đồng/tháng và trở thành quản lý kinh doanh với thu nhập tăng dần từ 4 triệu đồng/ tháng lên 8 triệu, rồi 10 triệu, 20 triệu đồng...
“Nắm nhanh cơ hội, ham học hỏi, chịu trách nhiệm và luôn đi đầu là bí quyết thành công của mình”, Mai chia sẻ. Dự định trong thời gian tới, Mai sẽ tiếp tục làm tại Oriflame và góp vốn cùng nhóm bạn mở hệ thống quán cà phê C.E.G.
Dấn thân
Nguyễn Văn Hiệp (SN 1989), SV năm cuối khoa Kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại thương Hà Nội) nổi danh với trung tâm tiếng Anh Biển Sách. Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh ở Hoà Bình, ngay khi học năm thứ hai, Hiệp đã bắt đầu bán tài liệu học tiếng Anh cho trẻ em và SV trên mạng, nhưng thất bại. Không nản chí, Hiệp và nhóm bạn tiếp tục kinh doanh. “Mình in thừa số lượng lớn tài liệu nên năm đầu tiên không có lãi nhiều. Năm thứ hai, kinh doanh tốt hơn với mức doanh thu 60 triệu/tháng”.
Sau khi hoạt động kinh doanh tài liệu học tiếng Anh online tiến triển tốt, Hiệp bàn giao quyền quản lý cho hai SV khoá dưới để mở trung tâm tiếng Anh, bất chấp nhiều ý kiến cho là mạo hiểm vì đã có quá nhiều mô hình này. Trung tâm tiếng Anh của Hiệp mới được thành lập, nhưng hoạt động kinh doanh khởi sắc. Hiệp thu hút SV tới học bằng cách cho học thử miễn phí, tổ chức hội thảo kỹ năng và phương pháp tự học tiếng Anh...
Từng đi bán mỹ phẩm, bán rượu, chocolate ngày 14-2, bán tài liệu cho thí sinh ôn thi ĐH... luôn đối mặt thử thách và cần sự thích nghi, Hiệp đúc kết: Dù là SV, nhưng nếu các bạn chịu khó quan sát, học hỏi và dám nghĩ, dám làm điều mới đều có thể có mức thu nhập hàng ngàn USD mỗi tháng.
Không sợ sai
“Nhiều SV có ý tưởng kinh doanh nhưng không dám bắt đầu để tới đích. SV khởi nghiệp cần chấp nhận mạo hiểm dựa trên sự tính toán và chuẩn bị kỹ; bạn không nên sợ sai, lúc đầu kinh doanh nhỏ, nếu thất bại vẫn có cơ hội làm tiếp”
Nguyễn Văn Hiệp