Công nghệ thông tin đang thu hẹp khoảng cách không gian, thời gian. Thế nhưng, với anh Trần Văn Chiến (Tiểu đội khối 60, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3) những lá thư tay, những cuốn nhật ký là món ăn tinh thần không thể thiếu.
Những ngày dài huấn luyện trên thao trường, bãi tập, hành quân xa đơn vị, Chiến thường lấy chiếc ba lô làm bàn để tranh thủ viết lại những dòng cảm xúc gửi về quê nhà.
Mình muốn sự nhớ thương, sẻ chia mình dành cho Chiến là nguồn cổ vũ, động viên để anh ấy hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao.
Trinh người yêu Chiến
Có những thời điểm bận tập trên thao trường, tối đến khi mọi người ngủ say, Chiến dùng đèn pin “nói chuyện” với người yêu qua dòng nhật ký. “Những ngày đầu sống trong môi trường quân đội với tôi rất khó khăn. Ở một nơi xa xôi, phương tiện duy nhất để liên lạc với gia đình, bạn bè là những lá thư. Nhờ có nó mà tôi đã vượt qua khó khăn, vững tin hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Những lúc rảnh rỗi, tôi thường viết thư về cho gia đình, bạn bè và người yêu để thông báo tình hình sức khỏe cũng như tâm sự niềm vui, nỗi buồn nơi quân ngũ”, Chiến tâm sự.
Chiến nhập ngũ tháng 2/2013, lúc tạm biệt người yêu lên đường cũng chính là ngày thứ 18 hai người nhận lời yêu nhau. Khoảng thời gian bên nhau ít nhưng những dòng nhật ký gửi cho người yêu thì nhiều.
Trong nhật ký Chiến viết: Gần 1 tuần rồi anh không được nghe thấy giọng nói của em, nhớ lắm. Gần 4 tháng yêu nhau, chỉ 18 ngày anh ở bên em. Ở đây anh có đồng đội, cũng hay kể chuyện về em nhiều lắm, em hãy nhớ giữ gìn sức khỏe nhé… Anh yêu em!.
Chiến nói: “Mỗi khi nhận được những bức thư hay cuốn nhật ký của người yêu, tôi thấy yên tâm hơn khi làm nhiệm vụ. Những lúc đọc lại những dòng tâm sự, động viên từ gia đình, người thân và bạn bè, tôi cảm thấy mọi người như đang ở cạnh cổ vũ cho tôi, giúp tôi có thêm sức mạnh”.
Ai đã từng trải qua quân ngũ sẽ không thể quên những kỷ niệm đẹp của đời lính, nhất là cảm giác chờ đợi, hồi hộp, vui sướng khi nhận được những lá thư của gia đình, bạn bè, đặc biệt là từ “một nửa” của mình.