Đang những ngày bận rộn khi Quốc hội thông qua một số Luật, nhưng tại văn phòng GS.TS Nguyễn Minh Đức ở tòa nhà Quốc hội vẫn có những lẵng hoa chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Giáo sư Đức cho biết, tuy được cử đi biệt phái nhưng ông vẫn tham gia giảng dạy một số chuyên đề sau đại học của Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện An ninh nhân dân và một số trường đại học. Nếu như đến với ngành Công an là một sự tình cờ thì gắn bó với nghề giáo đối với Giáo sư Nguyễn Minh Đức như một sự sắp đặt của số phận.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức sinh ra ở Nam Định. Năm lên 6 tuổi ông đã mất cha. Cha ông là Bộ đội Hải quân đã hy sinh trong chiến dịch 30-4-1975, khi đó người em trai của ông mới được 6 tháng tuổi, chưa từng biết mặt cha.
Năm cha hy sinh, mẹ ông mới 33 tuổi, con trai út còn bế ẵm ngửa nhưng Bà giấu nỗi đau đớn vào sâu thẳm trong lòng, gượng dậy nuôi hai con khôn lớn. Sự hy sinh, thủy chung, kiên cường của Mẹ đã ảnh hưởng không nhỏ tới chí hướng và con đường học tập của ông và em trai của ông – một Thạc sĩ kinh tế sau này.
Từ một trinh sát hình sự của Công an tỉnh Lào Cai, ông trở thành giảng viên của Khoa Luật, Học viện Cảnh sát Nhân dân và gắn bó với mái trường này đến bây giờ.
Năm 1995, tốt nghiệp chuyên ngành Cảnh sát hình sự của Học viện Cảnh sát Nhân dân, ông được giữ lại trường làm giảng viên. Tuy nhiên, muốn được về địa phương làm công tác thực tiễn nên ông xin vào Nam công tác, nhưng các thầy giáo của Ông đã khuyên: “Em phải làm thầy giáo!”, thế rồi Ông ở lại trường và đứng trên bục giảng đến năm 2016 thì được lãnh đạo Bộ Công an giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, sau khi trúng cử được biệt phái về Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Những ngày làm công tác giảng dạy đã tích lũy khá lớn vốn kiến thức, tạo nên nền tảng quan trọng hỗ trợ Giáo sư Nguyễn Minh Đức rất nhiều đối với công việc hiện tại. “Chỉ cần đọc qua văn bản dự thảo Luật là có thể biết được văn bản đó được viết theo văn phong nào, có chuẩn theo với văn bản có tính quy phạm và phù hợp với Hiến pháp không” – Giáo sư Đức chia sẻ.
Nói về những ngày giảng dạy ở Học viện Cảnh sát Nhân dân, Giáo sư Nguyễn Minh Đức cho biết, ông chuyên giảng dạy Luật hình sự, Luật Hành chính, Lý luận Nhà nước và pháp luật, nhưng năm 2002 khi sang Liên bang Nga làm nghiên cứu sinh, không chọn các chuyên ngành trên để nghiên cứu, ông đã rẽ ngang, quyết định làm đề tài nghiên cứu về khoa học Luật Hiến pháp. Chính vì vậy, cho đến nay, có thể nói, ông là Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất về khoa học Luật Hiến pháp trong ngành Công an.
Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Liên bang Nga năm 2006, ông trở về giảng dạy tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, từ ý tưởng của Giáo sư, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân về xây dựng ngành Tội phạm học, Ông đã cùng các thầy và đồng nghiệp thực hiện và đưa Tội phạm học trở thành một ngành nghiên cứu và đào tạo của Học viện Cảnh sát Nhân dân nói riêng và của các trường trong khối Công an nói chung.
Năm 2007, Học viện Cảnh sát Nhân dân thành lập Trung tâm Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (sau này đổi tên thành Trung tâm Tội phạm học và Điều tra tội phạm). Nhà trường tin tưởng và giao trọng trách cho thầy giáo Nguyễn Minh Đức cùng Giáo sư, Tiến sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nhật – Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân (nguyên Giám đốc Trung tâm đầu tiên) và một số thầy giáo đặt nền móng cho đơn vị nghiên cứu hàng đầu về Tội phạm học trong Ngành Công an ngày nay, sau đó Giáo sư Nguyễn Minh Đức trở thành người đứng đầu của Trung tâm.
Nhận nhiệm vụ mới, thầy giáo Nguyễn Minh Đức luôn thường trực một câu hỏi: “Mình sẽ bắt đầu từ đâu?”. Trung tâm vừa được thành lập, gần như “trắng” giáo trình, ngoài 3 cuốn giáo trình về “Tội phạm học” của ba trường Đại học. Rất may, Ông có mang theo về nước một số cuốn giáo trình, sách chuyên khảo của Liên bang Nga về Tội phạm học. Như chạy đua với thời gian, ông đã cùng đồng nghiệp dốc sức vào dịch tài liệu và bắt tay vào viết những cuốn giáo trình, tài liệu mới. Phải nói rằng đây là thời gian làm việc cực nhọc của thầy giáo Nguyễn Minh Đức và cộng sự, nhưng cũng là quãng thời gian Ông thăng hoa nhất.
Cuốn giáo trình Tội phạm học của Liên bang Nga ông còn nhớ mình đọc đến sờn cả gáy. Rồi sau này, có thời gian ông cho người khác mượn mà không nhớ, tưởng mất nên cứ tiếc mãi. Đến khi sách tìm được về với chủ, ông có cảm giác như gặp lại cố nhân.
Muốn sinh viên Công an được học như ngành y
Chia sẻ về những mong muốn của mình, Giáo sư Nguyễn Minh Đức cho biết điều ông mong mỏi nhất đó là sinh viên của khối ngành Công an được học như sinh viên khối ngành y. Các em vừa được học lý thuyết trong trường, vừa được “nhúng” mình vào thực tế. Các giảng viên của trường cũng giống như các giảng viên của trường y, vừa tham gia giảng dạy, vừa tham gia công việc chuyên môn ngoài thực tiễn, họ có thể vừa là giảng viên, vừa là trinh sát viên, điều tra viên hay giám định viên. Có như thế, thực tế sinh động mới đi được vào bài giảng, mới có sức hấp dẫn và tạo được kỹ năng cho người học.
“Ngành Công an thực tế với muôn hình vạn trạng, bao tình huống ngoài thực tế mà không có trong sách, giáo trình. Trong khi đó, lý luận trong giáo trình là kiến thức nền; một số tình huống trong giáo trình chỉ là một phần rất nhỏ so với thực tiễn, không thể đáp ứng yêu cầu. Nếu thầy cô không đam mê, nhiệt huyết với nghề, không tự tìm tòi học hỏi kiến thức thực tiễn thì sẽ rất khó trang bị cho người học đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp. Ra thực tế, các em sẽ thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức thực tế” – GS.TS Nguyễn Minh Đức cho hay. Do đó, ông cho rằng công tác đào tạo của ngành Công an phải được đổi mới và đào tạo như ngành y.
Nhìn lại các công trình nghiên cứu khoa học và thành tích trong giảng dạy của Giáo sư Nguyễn Minh Đức, chúng tôi thầm cảm phục sự miệt mài cống hiến cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của người thầy nhiệt huyết như ông. Đến nay, ông đã trực tiếp hoặc tham gia viết 35 giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ đào tạo đại học và sau đại học đang sử dụng; 15 đề tài nghiên cứu khoa học các loại (5 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài cấp Bộ, 6 đề tài cấp cơ sở); viết 135 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, trong đó có 7 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế và 5 bài báo trên các hội thảo khoa học quốc tế. Đã hướng dẫn hơn 30 nghiên cứu sinh, gần 100 học viên cao học, hàng chục sinh viên bảo vệ luận án, luận văn, khóa luận, đặc biệt hướng dẫn nhiều sinh viên nghiên cứu khoa học đạt các giải, trong đó có giải Tài năng khoa học trẻ Việt Nam.
Nhắc tới GS.TS Nguyễn Minh Đức là nhắc tới tấm gương đức độ, cống hiến, “cháy” hết mình cho những bài giảng, giờ giảng với dung lượng giữa lý luận và thực tiễn tạo nên sự cuốn hút cho người học. Gắn liền với tấm gương đó là những bộ sách quý và đề tài khoa học có tính đặc trưng mà ông đã tổ chức, trực tiếp biên soạn hoặc tham gia viết như các bộ sách: “Khoa học điều tra hình sự” 5 tập; “Tội phạm học Việt Nam” 3 tập, “Khoa học trinh sát” 3 tập và bộ “Khoa học Công an” 8 tập. Hoặc những đề tài nghiên cứu điển hình như: “Yếu tố nạn nhân của tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người”; “Điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản – những vấn đề lý luận và thực tiễn”;…Những cuốn sách, đề tài này có thể coi là cẩm nang quý báu trong điều tra, phòng ngừa tội phạm.
Năm 2016, ông được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh giáo sư và trở thành Giáo sư trẻ nhất của lực lượng Công an nhân dân năm đó. Đến tháng 10 năm 2017, ông được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định thăng cấp bậc hàm Thiếu tướng.
Tuy đi biệt phái, nhưng ông vẫn miệt mài hàng năm đóng góp vào sự nghiệp “lái đò” của ngành Công an, dường như “nửa hồn và trái tim” của Giáo sư Nguyễn Minh Đức vẫn để ở mái trường nơi mình đã gắn bó xây dựng suốt hơn 20 năm qua.