Trên Chất lượng Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Cửu Khoa, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học cho biết thành phần có trong những đồ như cốc, bát, hộp nhựa không độc. Song các chất phụ gia làm cho nhựa mềm dẻo lại có khả năng gây độc cho người ở mức độ lớn. Khi đựng những thực phẩm nóng (ở nhiệt độ 70- 80 độ C), các chất phụ gia đó sẽ tạo phản ứng và có thể gây độc cho con người.
Đặc biệt, hóa chất cực độc DOP, BPA trong các túi, hộp, cốc nhựa dùng để đựng cơm, xôi, nước nóng có thể khiến nam giới nữ hóa, nữ giới dậy thì sớm, vô sinh và rất dễ sẩy thai.
Các chất phụ gia cực độc trong nhựa
DOP (dioctin phatalat) là một chất hóa dẻo, tác dụng giống như hormone nữ nên rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm. Độc hại như vậy nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Cửu Khoa, DOP tồn tại với tỷ lệ 5-10% trong các chất hóa dẻo được sử dụng.
Ngoài DOP, đồ nhựa nóng có chứa hóa chất BPA (bisphenol- A). Trong một phát hiện mới từ Đại học Stanford (Mỹ), được trình bày tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Y học sinh sản Mỹ ở Boston, việc tiếp xúc với hóa chất bisphenol- A (BPA) ở mức độ cao làm tăng đáng kể khả năng sẩy thai.
Tiến sĩ Ruth Lathi, bác sĩ sản nội tiết tại Đại học Stanford cho biết: “Điều này rất quan trọng vì sẩy thai khá phổ biến và con người tiếp xúc với BPA là gần như ở khắp mọi nơi”. Các nhà khoa học Mỹ vừa cho biết hóa chất trong một số sản phẩm làm từ chất dẻo có thể gây bệnh hen và thậm chí cả bệnh béo phì. Trong số đó có phthalates – chất được bổ sung vào nhựa PVC để làm mềm sản phẩm, như túi nhựa dùng để đựng máu, huyết thanh, ống thông đường tiểu, găng tay… Chất này cũng có trong đồ chơi trẻ em, giấy dán tường, áo mưa và các loại hóa mỹ phẩm khác.
Tiến sĩ Phạm Thành Quân, khoa Hóa Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết nếu đồ dùng được làm từ nhựa melamine, PEHD thì không độc. Nhưng loại nhựa này có cũng dễ gây độc nếu chúng không còn nguyên hình dáng ban đầu… Các chất phụ gia sử dụng trong công nghiệp hóa dẻo quá nhiều, khó kiểm soát; thường là hỗn hợp của nhiều chất như ổn định, xúc tác, bôi trơn, chống thấm…
Khi đồ dùng bị sứt, mẻ, cong, vênh, lớp bảo quản bề mặt đã không còn giữ được tác dụng, có nguy cơ bị phóng thích ra những chất độc hại.Theo tiến sĩ Nguyễn Cửu Khoa, tốt nhất nên chọn mua những đồ nhựa có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước. Hạn chế sử dụng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng, chua, cay..
An toàn hay không tùy thuộc nhà sản xuất
Ông Diệp Bảo Cánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP HCM, cho biết ở các nước, nguyên liệu sản xuất đồ nhựa thực phẩm có những qui định chặt chẽ (chẳng hạn nhựa PVC hoàn toàn bị cấm). Còn ở Việt Nam đến nay đồ nhựa vẫn chưa được kiểm định chặt chẽ, tốt hay xấu, an toàn hay không đều tùy thuộc nhà sản xuất.
Trong tái chế đồ nhựa, nếu không tuân thủ nghiêm ngặt các quy cách thì sản phẩm sẽ không an toàn. Tuy nhiên, đúng quy cách hay không thì chỉ có nhà sản xuất mới biết.
Và sự tỉnh táo của người tiêu dùng
Trên các đồ dùng nhựa của Việt Nam cũng chưa ghi rõ thành phần và những khuyến cáo. Chẳng hạn, các hộp xốp (dùng để đựng cơm hộp) hiện nay chủ yếu được sản xuất từ nhựa PT. Chúng có thể dùng để đựng thức ăn nhưng phải là đồ nguội, chứ không phải cơm nóng, canh nóng như chúng ta vẫn đang dùng…
Để bảo vệ tốt sức khỏe của chính chúng ta, hãy là những người tiêu dùng thông minh. Thay vì dùng đồ nhựa để đựng thức ăn nóng, thậm chí là thức ăn khi nguội, bạn có thể lựa chọn các vật dụng bằng đồ tráng men, thủy tinh… để bảo vệ mình tránh khỏi những nguy hiểm vẫn luôn rình rập hàng ngày.