Ngạt mũi khiến cho trẻ em khó thở dẫn đến trẻ hay quấy khóc, không chịu ăn uống, còn đối với người lớn thì ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Do vậy rất nhiều người đã trữ sẵn loại thuốc này ở nhà để khi cần có thể sử dụng được ngay.
Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học của trường Đại học Boston (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu, thực tế đã chứng minh rằng thuốc xịt mũi có thể gây nghiện cho người sử dụng nếu sử dụng thường xuyên và gây ra nhiều nguy hiểm cho những bà mẹ có thai mà vẫn sử dụng loại thuốc này.
Thuốc gây nhiều nguy hại
Rất nhiều loại thuốc xịt mũi được bày bán trên thị trường có cả dạng nhỏ và dạng xịt, nội lẫn ngoại. Có loại chỉ điều trị được bệnh viêm mũi nhưng cũng có loại không có tác dụng chữa khỏi bệnh mà chỉ có thể điều trị được chứng ngạt mũi như bệnh viêm đường hô hấp, viêm mũi. Nhưng tất cả các loại thuốc nhỏ mũi đều có tác dụng làm cho mũi thông thoáng, dễ thở bằng cách co mạch máu ở niêm mạc mũi, giảm xung huyết ở mũi.
Thuốc co mạch có hiệu quả trong các trường hợp bị ngạt mũi do lạnh, do cảm cúm. Khi đó, niêm mạc mũi bị xung huyết, dãn mạch, phù nề.
Các loại thuốc này cũng chỉ nên dùng 2-3 lần/ngày, đồng thời thường được khuyến cáo không nên dùng quá 7 ngày. Nếu dùng quá nhiều, thuốc co mạch có thể đem lại các hiệu quả ngược như ngạt mũi nhiều hơn, viêm teo mũi, thủng vách ngăn, mất khả năng khứu giác.
Một số thuốc xịt mũi có chứa corticoid có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, thường được chỉ định cho người bị hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi do viêm mũi dị ứng, polyp mũi. Có tác dụng sau 3-5 ngày sử dụng, nhưng lại gây ra một số tác dụng phụ như rát mũi, khô mũi, chảy máu mũi, thậm chí bị buồn nôn, nôn và kích ứng với dạ dày, do đó, người bệnh cần phải thông báo cho bác sĩ khi thấy các triệu chứng này.
Thuốc có thể gây nghiện
Hiện có rất nhiều người bị sổ mũi kéo dài hơn một tuần, thậm chí hơn một tháng và sử dụng thuốc xịt mũi trong một thời gian dài. Nhiều nghiên cứu cho thấy không nên sử dụng thuốc xịt mũi thường xuyên vì chúng có thể gây nghiện.
Thông thường, mỗi khi nghẹt mũi, chúng ta khó có được giấc ngủ ngon và một giải pháp tức thời là dùng thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc xịt mũi để mở rộng đường thở. Thế nhưng sau đó không lâu, mũi lại sẽ bị nghẹt và chúng ta lại tiếp tục sử dụng thuốc nhỏ mũi, cứ như vậy thì người sử dụng thuốc nhỏ mũi sẽ bị tăng liều lượng.
Một số người sử dụng thuốc nhỏ mũi thì bị hồi hộp, kích ứng. Đây chính là do tác động tiết adrenalin được gây ra do ảnh hưởng của các loại thuốc nhỏ mũi. Rất nhiều thuốc nhỏ mũi và xịt mũi có chứa những dược chất có thể gây nghiện như oxymetazoline, phenyleherine, neosynephrine, xylometazoline.
Bất cứ những loại thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi có chứa các dược chất gây co mạch đều có thể gây nghiện. Khi sử dụng thuốc nhỏ mũi trong một thời gian dài và bị nghiện, hệ thống lông mao mũi sẽ bị “mất phong độ”, do đó, mũi vẫn còn cảm giác như bị nghẹt. Trong trường hợp này, trà ấm, xúp gà hoặc xoa nắn vùng xoang mũi sẽ giúp cải thiện được bệnh trạng một cách đáng kể và an toàn hơn là tiếp tục sử dụng thuốc nhỏ mũi.
Hại cho thai nhi
Các nhà khoa học đã tiến hành theo dõi số trẻ em bị dị tật bẩm sinh trong giai đoạn 1993-2010, trong đó mẹ của các em này được hỏi liệu họ có gặp vấn đề gì liên quan đến nhiễm sắc thể hay không. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích thông tin nhận được, đồng thời họ cũng biết được các bà mẹ này đã sử dụng những loại thuốc gì trong thai kỳ, kể cả hai tháng trước khi mang thai.
Từ đó, các nhà khoa học rút ra kết luận việc sử dụng thuốc có hoạt chất phenylephrine, ví dụ như các loại thuốc chống phù nề, trong ba tháng đầu của thai kỳ khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao gấp tám lần. Còn hoạt chất phenylpropanolamin có trong các loại thuốc xịt mũi có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thính giác và dạ dày lên 8 lần.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn ghi nhận có mối liên quan giữa việc sử dụng loại thuốc “giả ephedrin” với các di tật liên quan đến các chi. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc có hoạt chất imidazolin, có trong các loại thuốc xịt mũi và nhỏ mắt, làm tăng gấp hai lần khả năng phát bệnh liên quan đến mối liên hệ dị thường giữa khí quản và thực quản ở trẻ.
Có tới 3% số trẻ sơ sinh mắc các dị tật trên, trong đó một số dị tật cần được can thiệp y tế kịp thời, tuy nhiên, không phải tất cả những dị tật này đều đe dọa tới tính mạng trẻ. Hiện chưa có lý giải khoa học về mối liên quan giữa việc dùng thuốc xịt mũi và nguy cơ trẻ em sơ sinh bị dị tật, mặc dù nguy cơ này không phải là quá cao nhưng các bà mẹ nên chú ý.