Ghi nhận của PV, 40m bờ kè đã xuống cấp được thay thế bằng vật liệu khối bê tông cốt sợi đúc sẵn thành các cấu kiện; mỗi cấu kiện dài 1m; cao 2,5m; nặng 2,5 tấn.
Ông Phạm Tuấn Long - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: "Việc kè thử nghiệm khu vực 40m hồ Hoàn Kiếm đã được hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Chúng tôi bắt đầu lấy ý kiến từ các chuyên gia, người dân về đoạn này để phục vụ quá trình thi công tiếp theo. Đoạn bờ kè mới được sử dụng bằng bê tông cốt sợi đúc sẵn kích thước có chiều dài 1m, chiều cao là 2,5m, trọng lượng trung bình 2,5 tấn cho 1 cấu kiện. Đến nay, chúng tôi đã thi công theo quy định của thành phố vào buổi tối và đêm từ 21h cho đến 6h sáng và hoàn trả lại hoạt động cho hồ Hoàn Kiếm".
Đại diện đơn vị thi công cho biết trong quá trình thi công có ba vấn đề khó khăn. "Có 24 cây xanh ven hồ cần được xử lý khi cải tạo bờ kè, trong đó có 10 cây xanh cần phải có biện pháp giằng giữ, neo chống, bảo vệ gốc rễ, trong đó đoạn thí điểm có 3 cây. Nhưng vấn đề khó khăn nhất chúng tôi gặp phải trong quá trình triển khai là đảm bảo đường cong mềm mại của hồ không ảnh hưởng đến di tích, thắng cảnh, đảm bảo, gìn giữ, nuôi dưỡng cây xanh và quá trình thi công không được ảnh hưởng đến sinh vật của hồ. Chúng tôi phải đưa ra các kích thước cấu kiện khác nhau để đảm bảo được những yếu tố trên, nhất là đường cong của hồ", người này nói.
GS.TS Vũ Đình Phụng - Trưởng Bộ môn Công trình giao thông, ĐH Thủy Lợi đánh giá cao công trình trên. "Tôi theo dõi công trình từ đầu, trước mắt tôi thấy rất đẹp và phù hợp. Đây là một công trình ổn định khi không phá vỡ, chiếm diện tích hồ và giữ nguyên hiện trạng mặt nước, để làm được việc này đơn vị thi công phải rất cẩn trọng, tỉ mỉ.", GS.TS Phụng chia sẻ.
Vì cảnh quan môi trường xung quanh hồ Hoàn Kiếm mang tính chất lịch sử, đây là "trái tim của trái tim" thế nên việc thi công phải đảm bảo ổn định, hòa hợp với cảnh quan môi trường", GS.TS Phụng nói thêm.
"Việc sử dụng cấu kiện là bê tông cốt sợi không ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đặc biệt trong quá trình thi công. Độ bền của những cấu kiện này có thể lên tới hàng trăm năm, hơn hẳn phương pháp truyền thông", PGS.TS. Vũ Quốc Vương - Trưởng Bộ môn Vật liệu xây dựng, ĐH Thủy Lợi cho biết.