> 'Thiên đường tình dục' ở bên kia biên giới
Theo giải thích của các chính khách hồi đó, việc hợp pháp hoá nghề mại dâm sẽ cải thiện địa vị của gái mại dâm trong xã hội, họ sẽ độc lập hơn và có nhiều quyền hơn, chẳng hạn, quyền được chăm sóc y tế, được hưởng lương hưu và được bảo hiểm thất nghiệp. Nhưng cũng có rất nhiều người phản đối việc hợp pháp hoá này.
Những người phản đối lên tiếng báo động vì nước Đức đã trở thành “nhà chứa của châu Âu” và “thiên đường tình dục”, nói cách khác, trở thành trung tâm du lịch tình dục thu hút khách mua dâm từ Pháp, Ý, các nước vùng Scandinavie và nhiều nước khác trên thế giới.
Ngày càng nhiều nhà chứa xuất hiện trên vùng đất biên giới giữa Đức và các nước khác, điển hình là thành phố Koln có nhà chứa lớn nhất châu Âu. Những người phản đối cho rằng “cuộc thực nghiệm với giới mại dâm” đã thất bại.
Vào năm 2012, ở Đức có 200.000 gái mại dâm (tăng 33% so với 10 năm trước) nhưng chỉ có 45.000 gái mại dâm là người Đức, số còn lại là từ các nước Đông Âu như Romania, Bulgaria và Hungary.
Cũng trong năm 2012 đã có 99,6 triệu vụ mua bán dâm được thực hiện với giá tổng cộng là 5,56 tỷ euro. Như vậy, giá trung bình mỗi vụ mua bán dâm là 56 euro còn lượng khách mua dâm trung bình mỗi tuần đến các nhà chứa ở Đức là gần 273 nghìn người. Đó là vào năm 2012.
Những người đòi xem xét lại việc hợp pháp hoá nghề mại dâm hiện đang đặt nhiều hy vọng vào Chính phủ mới ở Đức thành lập trên cơ sở Đại Liên minh giữa đảng bảo thủ Dân chủ / Xã hội Thiên Chúa giáo và đảng trung tả Dân chủ xã hội.
Trong quá trình thảo luận để thành lập Đại Liên minh, rất nhiều người đã lên tiếng đòi xiết chặt đạo luật năm 2002. Họ tuyên bố nước Đức không được phép trở thành nơi trú ẩn của giới chủ chứa và những kẻ buôn người.
Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ mới ở Đức chắc chắn sẽ đấu tranh kiên quyết hơn với nạn mãi dâm nhưng không theo kịch bản cấm đoán cổ điển mà theo con đường của Thụy Điển là nơi việc mua dâm bị coi là tội phạm hình sự kể từ năm 1999.
Nói cụ thể, Thụy Điển không trừng phạt gái mại dâm mà trừng phạt khách mua dâm: Khách mua dâm không chỉ bị phạt tiền mà còn có thể bị phạt tù (tối đa có thể tới 6 tháng tù). Một nước Bắc Âu khác là Na Uy cũng đã noi gương Thuỵ Điển kể từ năm 2009.
Hiện nay ở Đức có khoảng 400.000 gái mại dâm “phục vụ” cho gần một triệu khách mỗi ngày. Những số liệu khó tin đó chứng tỏ các nhà chứa đang mọc lên như những khối u, còn báo chí ngày càng đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa nạn buôn người với sự bùng nổ của ngành kỹ nghệ tình dục.
NGỌC THOA
Theo Ng.ru