Xin bà giới thiệu những thành tựu mà nước Đức đạt được sau 22 năm thống nhất?
Tại cuộc họp báo sáng qua (2-10) nhân dịp Quốc khánh Đức, Đại sứ Jutta Frasch cho biết, dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 do Đức giúp đỡ tại TPHCM đang thực hiện các thủ tục đấu thầu. Dự kiến dự án này khởi công đầu năm 2013.
Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 đánh dấu một kỷ nguyên mới của nước Đức và cả châu Âu. Sau nhiều thập kỷ bị chia rẽ sâu sắc, Đức và cả châu Âu đã được hợp nhất.
Nước Đức thống nhất đi được một con đường dài kể từ năm 1990, và ngày nay đã tìm được vị trí cho mình trong số các đối tác ở châu Âu và khắp nơi trên thế giới.
Từng bước một, Đức được thừa nhận là đối tác có trách nhiệm với tư cách là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, một quốc gia đông dân nhất châu Âu.
Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi đang làm việc cho một thế giới hòa bình và dân chủ, quyền con người và sự điều hành hiệu quả của chính phủ, nền kinh tế thị trường, tự do thương mại cũng như giải quyết những thách thức toàn cầu, ví dụ như biến đổi khí hậu.
Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại EU, còn Việt Nam cũng là đối tác trung tâm của Đức tại ASEAN. Hai nước đã có mối quan hệ hợp tác toàn diện ở tầm đối tác chiến lược. Với tư cách là Đại sứ, trong nhiệm kỳ của mình, bà ưu tiên thúc đẩy những lĩnh vực nào trong quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam?
Những nguyên tắc của đối tác chiến lược giữa hai nước đã được giải thích rõ trong Tuyên bố chung Hà Nội, được ký bởi Thủ tướng Angela Merkel và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 10-2011 tại Hà Nội.
Tuyên bố này xác định rõ những mục tiêu chính trị có thể đạt được, một vài trong số đó đã có những dự án cụ thể. Đối thoại chính trị sẽ làm sâu sắc, rõ ràng hơn mối quan hệ này. Chuyến thăm của Phó thủ tướng Philipp Roesler vào tháng 9 vừa qua là một ví dụ.
Cá nhân tôi cho rằng, sự thành công trong việc thực hiện các dự án như tuyến tàu điện ngầm số 2 hay trường đại học Việt - Đức và trường quốc tế Đức tại TPHCM là điều hết sức quan trọng.
Các dự án này đang được triển khai. Tôi cũng quan tâm tới Ngôi nhà Đức tại TPHCM, một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai đất nước.
Ngôi nhà Đức sẽ hợp nhất tòa lãnh sự, các doanh nghiệp Đức cũng như các viện văn hóa dưới một mái nhà và trở thành ngôi nhà của sự hợp tác Đức - Việt.
Trên trang web của sứ quán Đức bà có viết rằng “Đức và Việt Nam gắn kết với nhau bằng quan hệ hữu nghị lâu năm và quan hệ đối tác chặt chẽ. Nhiều người Việt Nam trong cuộc đời mình đã bắt rễ tại hai nước và thành thạo tiếng Đức. Họ đã tạo nên một nhịp cầu văn hóa có một không hai giữa hai nước chúng ta”. Xin bà có thể phân tích rõ hơn về điều này ?
Quan hệ giữa các quốc gia không chỉ tồn tại giữa các chính phủ và tổ chức, mà còn là quan hệ giữa những con người của hai nước, một số người trong số họ làm việc cho chính phủ, ví dụ như tôi.
Song đặc tính thực sự của mối quan hệ giữa hai đất nước lại được xác định bởi những con người trên đường phố, khi họ biết và đang nghĩ gì về đất nước kia. Hiện có nhiều người Việt Nam từng sống phần lớn cuộc đời của họ ở cả hai đất nước.
Những kỷ niệm, ký ức và ý kiến của họ đang thắt chặt quan hệ giữa hai đất nước chúng ta với nhau. Do vậy tôi tin tưởng rằng, sự hợp tác Đức-Việt là một cơ hội lớn cho cả hai bên.
Hiện ngày càng nhiều học sinh Việt Nam tới Đức du học. Theo bà, du học tại Đức có những ưu điểm gì so với các nước khác? Lĩnh vực nào là thế mạnh đào tạo của Đức?
Đức là miền đất của những ý tưởng. Giáo dục, khoa học và nghiên cứu đóng một vai trò trung tâm đối với chúng tôi.
Hệ thống giáo dục của chúng tôi tạo cơ hội rộng lớn cho mọi người có mơ ước theo đuổi bậc giáo dục đại học. Có trên 370 trường đại học trải rộng khắp nước Đức. Trong khi các trường đại học cổ điển dành cho nghiên cứu khoa học truyền thống, thì các trường đại học kỹ thuật (TU) lại tập trung vào việc đào tạo kỹ sư và khoa học tự nhiên.
Ngoài ra, còn có một dạng đại học thứ ba, đó là các trường đại học khoa học ứng dụng (FH), chuyên đào tạo tiệm cận hoặc thậm chí tập trung thẳng vào cái mà các công ty cần. Sinh viên tốt nghiệp trường FH nói trên chính là những người sẽ được tuyển dụng vào các công ty này.
Gần đây, hệ thống giáo dục và đại học Đức có quá trình đổi mới sâu sắc và đang gặt hái thành quả. Từ năm 2010, các khóa học tại đại học Đức đều có bằng tốt nghiệp cử nhân (Bachelor) hoặc thạc sĩ (Master) được quốc tế công nhận.
Đức là một trong những quốc gia ưa thích nhất của sinh viên nước ngoài. Một khía cạnh quan trọng nữa là, hầu hết các trường đại học tại Đức đều không phải đóng học phí.
Báo DIE ZEIT của Đức trong bài “Điều kỳ lạ Việt Nam” nhận xét rằng: “Không một nhóm nhập cư nào ở Đức giàu thành tích học tập như người Việt Nam: Hơn 50% học sinh người Việt vào được trung học loại ưu. Như vậy, số trẻ em Việt Nam phấn đấu lấy bằng tốt nghiệp trung học hệ 12 năm nhiều hơn trẻ em Đức”. Theo bà, hệ thống giáo dục - đào tạo của Việt Nam cần phát triển theo hướng nào để theo kịp trình độ của các nước phát triển?
Tôi không phải là chuyên gia trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhưng theo quan điểm cá nhân của tôi, bất kỳ một hệ thống giáo dục tốt và cạnh tranh nào đều phải có khả năng giúp người học nhận ra được đầy đủ khả năng tiềm tàng của họ.
Thế giới và nền kinh tế của chúng ta thay đổi rất nhanh. Chỉ có duy nhất một con đường bắt kịp với sự thay đổi, đó là trao cho sinh viên những công cụ để đáp ứng với những thay đổi đó, để họ học được cách tự đào tạo mình. Để có được điều này, sinh viên cần những người thày giỏi trong vai trò người hướng dẫn.
Bất cứ hệ thống giáo dục nào tạo ra một môi trường học tập tốt đều thành công. Điều quan trọng là hệ thống đó phải đưa ra cho sinh viên những cơ hội được học về những yêu cầu của các công việc trên thế giới hiện nay.
Chúng tôi hy vọng có thể đóng góp vào khía cạnh này bằng cách tăng cường các cơ hội đào tạo nghề được thực hiện bởi các công ty Đức tại Việt Nam cho sinh viên Việt Nam.
Giao thông và ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề bức xúc tại các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM. Trong khi đó hệ thống giao thông công cộng và bảo vệ môi trường tại Đức lại rất tốt, trở thành hình mẫu cho nhiều nước trên thế giới. Vậy bà có điều gì muốn chia sẻ về với Việt Nam vấn đề này ?
Khi tới Hà Nội, tôi thực sự ngạc nhiên về hệ thống giao thông trông giống như một dòng chảy về mọi hướng cùng một lúc, hầu hết là xe máy. Đây là một sự khác biệt lớn so với Đức, nơi mà hầu hết phương tiện giao thông cá nhân là ô tô và xe đạp. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần tìm một giải pháp giao thông bền vững giúp bảo vệ môi trường. Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TPHCM sẽ được xây dựng với sự giúp đỡ của Đức. Nước Đức và các doanh nghiệp Đức sẽ rất vui lòng được chia sẻ những quan niệm và kinh nghiệm khi được hỏi về vấn đề này.
Việt Hùng
Thực hiện