Đua nhau nuôi cá lăng nha đuôi đỏ ở miền Tây

Cá lăng nha đuôi đỏ với đặc tính lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt thấp, giá trị thương phẩm cao, thịt thơm ngon… giúp người nuôi ở miền Tây thu cả tỷ đồng/năm.
Hiện nay, cá lăng nha trở thành loài cá đặc sản, có mặt ở trong nhà hàng ở miền Tây và TP.HCM. Ảnh: Ngọc Trinh/ Zing

Sau nhiều năm lăn lộn với nghề nuôi cá bè, anh Nguyễn Văn Nghĩa, ngụ ấp 2, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang mạnh dạn chuyển sang nuôi cá lăng nha đuôi đỏ (còn gọi là cá lăn chiên). Qua 4 mùa thu hoạch, anh đã có thu nhập cả tỷ đồng.

Trước đó, anh Nghĩa đã từng "thấm mệt" với việc nuôi bè các loại cá tra, ba sa. Anh Nghĩa cho biết: “Tôi đã trải qua nhiều năm nuôi cá bè, thành công cũng có, thất bại cũng có nhưng chưa bao giờ gặp điêu đứng. Chỉ có lần thả 60.000 con cá tra, đúng vào thời điểm thu hoạch, nó lại rớt giá một cách thê thảm làm tôi đuối sức. Nghỉ một ít lâu, tôi lại tiếp tục nuôi cá ba sa, cá bông lau… nhưng hiệu quả cũng không có gì đáng kể”.

Cá lăng nha nha đuôi đỏ nuôi khoảng 14 tháng là đạt cân nặng 2 đến 2,5 kg/con. Ảnh Ngọc Trinh.

Cơ duyên để anh bắt tay vào nuôi cá lăng nha đuôi đỏ đến vào năm 2008. Khi đó, trong chuyến đi thăm người bà con ở Kandal (Campuchia), anh Nghĩa đã phát hiện ra mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè ở nước bạn. Từ đó, anh liền để ý theo dõi và âm thầm tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc cũng như nguồn con giống với ý định sẽ phát triển mô hình này tại làng quê mình đang sống. Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết và qua trung gian của bạn bè, anh đã mua được 5.000 con cá giống với giá 5.000 đồng/con. Số cá nói trên được gửi qua từ Campuchia.

    

Lần đầu nuôi cá lăng nha đuôi đỏ, chưa có kinh nghiệm, anh Nghĩa thả 5.000 con thì lúc thu hoạch chỉ còn 3.000 con. Tuy nhiên, theo nhận định của anh, loại cá này khá dễ nuôi, rất thích nghi với dòng nước đầu nguồn nên mau lớn. 

Thức ăn chín của cá lăng nha là các loại cá sống nước ngọt hoặc cá biển. Kinh nghiệm của anh Nghĩa khi nuôi là nên cho cá ăn mồi xay nhuyễn vào lúc mới thả, sau đó có thể cho ăn nguyên con. Vụ cá thường kéo dài khoảng 14 tháng với cân nặng con to nhất có thể đạt khoảng 2 kg. Lúc thu hoạch, giá bán là 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh còn lãi hơn 50 triệu đồng.

Sau thành công của vụ đầu tiên, đến vụ sau, anh Nghĩa thả thêm 13.000 con giống trên 2 lồng bè, mỗi bè có kích thước 5m x 8m. Qua nhiều năm nuôi rút được kinh nghiệm cho bản thân, cộng thêm việc có vốn trong tay, 2 năm gần đây anh đầu tư gần 2 tỷ đồng nuôi 5 bè cá lăng nha đuôi đỏ. Theo dự đoán của anh Nghĩa, giá cá lăng nha năm nay sẽ cao hơn so với năm trước, khoảng 80.000 đồng/kg/loại I và 60.000 đồng/kg/ loai II. Với các bè cá đang nuôi, ước tính năm nay có thể lời gần 1,2 tỷ đồng.

Thấy mô hình nuôi cá lăng nha của anh Nghĩa mang đến hiệu quả, 30 hộ nuôi cá bè khác cũng chuyển sang nuôi loại cá này. Anh Cao Văn Phước, thả 10.000 con giống phấn khởi cho biết, nuôi cá lăng nha đuôi đỏ chi phí thấp hơn so với các loại cá khác. Nhờ cá ăn tạp nên nguồn thức ăn dễ tìm, rẻ, nhất là mùa nước nổi. Theo kinh nghiệm của anh Phước, muốn có được một kg cá thịt phải cần 5 đến 6 kg cá mồi (chi phí khoảng 30.000 đồng). Nếu bán ra bình quân mỗi cân khoảng 60.000 đồng, người nuôi cũng còn lời 50%.

Mô hình nuôi cá lăng nha đang phát triển mạnh ở An Giang, vì có nguồn nước phù hợp giúp cá lớn nhanh. Ảnh Ngọc Trinh.
Trước mắt, mô hình nuôi cá lăng nha ở vùng biên giới An Giang đang mở ra nhiều triển vọng và được coi là thế mạnh trong nền kinh tế thuỷ sản của địa phương. Tuy nhiên để tránh tình trạng phát triển tự phát “mạnh ai nấy nuôi” khiến cho thị trường giá cả bất ổn như con cá tra trước đây, người nuôi kiến nghị chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải tích cực tham gia, hướng dẫn và khuyến cáo các ngư dân. Nội dung khuyến cáo bao gồm việc tính toán kỹ về vốn, kỹ thuật, nguồn giống, đặc biệt là đầu ra trước khi bắt tay vào thả cá. Điều này để tránh tình trạng rủi ro hoặc khủng hoảng thừa. Việc cần làm trước nhất là quy hoạch vùng nuôi hợp lý để bảo đảm môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm.    

Theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang, các huyện đầu nguồn giáp với Campuchia như An Phú, thị xã Tân Châu và TP. Châu Đốc, người dân đang phát triển nuôi loài cá này. Vì vùng nuôi nằm ở đầu nguồn nước nên dòng nước ở nơi đây rất thích hợp cho con cá lăng đuôi đỏ phát triển. Các địa phương đang kết hợp với nhà khoa học để hướng dẫn kỹ thuật, nhân rộng mô hình, phát triển theo hình thức nuôi công nghiệp theo hướng xuất khẩu. Chính điều này cũng giúp cho nông dân trong huyện có nguồn thu nhập ổn định về lâu dài.

Theo Theo Zing