Ở thành phố, muốn tới bể bơi phải mua vé tháng mấy trăm ngàn hoặc vé vào bể bơi trong một vài giờ cũng phải năm sáu chục ngàn. Chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được các khó khăn với các giải pháp sau:
a. Bộ Giáo dục & Đào tạo cần đưa chương trình giáo dục về bơi lội vào từng cấp học. Giờ bơi lội được học tập trong các giờ giáo dục thể chất, hoạt đông ngoại khoá bắt buộc đối với mọi học sinh. Giáo viên dạy thể dục phải biết dạy bơi lội. Nếu chưa biết phải được học tập bồi dưỡng. Những trường có điều kiện có thể mời các chuyên gia dạy bơi trong các dịp nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ, bằng các bể bơi di động.
Thí dụ hè năm 2009 này, thành phố Đà Nẵng có dự án “Đà Nẵng với chương trình bơi an toàn” được triển khai cho khoảng 5.000 học sinh tiểu học. Học sinh được chuyên gia dạy bơi, kỹ năng sơ cấp cứu. Trước mắt dự án sẽ lắp đặt 10 bể bơi di động tại các trường tiểu học ở tất cả các quận huyện và các bãi biển.
Theo tôi, việc tạo ra các ao bơi, bể bơi, các địa phương, các trường đều có thể làm được kể cả các trường ở thành phố.
b. Tích hợp việc dạy kiến thức về bơi lội vào những môn văn hoá như vật lí, sinh vật, giáo dục đạo đức công dân... Tùy theo trình độ nhận thức ở từng bậc học, giáo viên dạy các bộ môn văn hoá cần có ý thức liên hệ với thực tế cuộc sống để giáo dục các em từ việc nhắc nhở, đề phòng các tai nạn có thể xảy ra hàng ngày đến việc vận dụng các kiến thức khoa học để giải thích về nguyên nhân của các tai nạn như :
Giải thích vì sao nhảy xuống nước sâu người ta lại bị chìm bằng định luật Archimedes (Ác-si-mét), giải thích vì sao chân đê chân đập lại bị lực nước kéo ra xa bờ, nhất là khi có sóng bằng việc áp dụng phân tích lực của một vật đặt trên mặt phẳng nghiêng.
Giải thích việc bơi qua sông có nước chảy, có nước xoáy, có tàu thuyền chạy trên sông thì phải đề phòng tai nạn bằng việc nắm được kiến thức của định luật Béc-nu-li (tốc độ của dòng chảy càng lớn thì áp suất càng nhỏ).
Ngoài việc dạy biết bơi lội, mỗi người còn phải biết kỹ năng cứu người đang bị đuối dưới nước. Nếu không biết cách cứu, nhiều khi người đi cứu cũng bị chết đuối theo. Dạy kỹ năng cấp cứu người bị đuối vừa vớt lên bờ như hô hấp nhân tạo, thổi ngạt, trước khi đưa tới các bệnh viện.
Nhà giáo Trần Hữu Trù
(Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục & Đào tạo)
Cảnh báo trẻ em đuối nước vào mùa hè
Năm nào cũng vậy, khi cái nắng nóng của mùa hè đang đến gần và cũng là bắt đầu bước vào mùa mưa lũ, nguy cơ trẻ bị đuối nước, bị lũ cuốn trôi gia tăng so với các khoảng thời gian khác trong năm.
Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng trẻ em đuối nước là học sinh trên đường đi học, các em thường hay rủ nhau xuống sông, hồ, đập để tắm. Nhiều học sinh do chưa nhận thức được sự nguy hiểm của những hồ, đập, sông, suối nên chủ quan, tự ý tắm mà không có sự quản lý của người lớn, trong khi các em thường không biết bơi, không có dụng cụ phòng chống kèm theo như phao bơi. Tại các vùng nông thôn, khu vực gần sông, các hồ đập, tình trạng trên còn nguy hiểm hơn. Nhiều em nhỏ khi đi học về, đi chăn trâu hay vào những ngày nghỉ thường trốn cha mẹ đi tắm là chuyện xảy ra phổ biến.
Điển hình là tai nạn ngày 18/5, khi bốn học sinh Trường Tiểu học Văn An rủ nhau lên đò đi tắm sông tại khu vực Nà Làn, xã Văn An, huyện Văn Quan. Trời vừa mưa, nước sông lên, làm lật đò khiến em Hứa Thị Lan, sinh năm 1999, học sinh lớp 4, người thôn Phai Xả, xã Chu Túc cùng em Hoàng Đức Long, sinh năm 1999, học sinh lớp 3, người thôn Khòn Chu, xã Văn An bị đuối nước. Hai em còn lại bơi được vào bờ. Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày nước ta có khoảng 10 trẻ em chết đuối.
Mùa hè đã đến, để ngăn ngừa nạn trẻ em đuối nước, nhà trường cần đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến THPT về nguy cơ đuối nước và cách phòng tránh. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo phải nắm rõ tình hình sông suối, hồ, đập tại địa phương để nhắc nhở học sinh phòng tránh thảm họa đuối nước. Nên nhắc nhở các em không được vui chơi ở những nơi có nguy cơ dẫn đến tai nạn. Nếu cần, phải có người lớn cùng những phương tiện cứu hộ kèm theo. Ngoài ra, phụ huynh phải thường xuyên nhắc nhở con em mình cách phòng, tránh đề phòng tai nạn đuối nước, thường xuyên giám sát con cái trong các hoạt động. Cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương có sông, hồ, đập nhiều dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước cần phải gắn biển cảnh báo, biển chỉ dẫn độ sâu nguy hiểm.
Trần Thông
(K6, HVCTQS, Bắc Ninh)