Sớm trở thành “con gà đẻ trứng vàng”
Sau 20 năm tái lập tỉnh, du lịch Vĩnh Phúc đã từng bước xây dựng được thương hiệu, dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Nếu như năm 2011, du lịch Vĩnh Phúc chỉ đón được 1,7 triệu lượt khách, thì đến hết năm 2016, dự kiến sẽ đạt trên 3,8 triệu lượt khách, doanh thu dự kiến đạt 1.287 tỷ đồng. Chính sự tăng trưởng này đã đem lại hiệu quả đáng kể về việc tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành, góp phần nâng cao mức sống cho người dân.
Theo ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, thông qua tuyên truyền, quảng bá được duy trì thường xuyên và có chiều sâu, cùng các hoạt động đa dạng khác đã góp phần nâng cao hình ảnh Vĩnh Phúc nói chung và du lịch Vĩnh Phúc nói riêng tới bạn bè trong nước, quốc tế. Qua đó, tạo thế và lực cho du lịch tỉnh phát triển vững chắc trong giai đoạn mới, từng bước đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch.
Để có được thành công này, Vĩnh Phúc luôn tập trung đầu tư nguồn lực, tạo diện mạo mới cho ngành du lịch bằng việc huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình dự án giao thông, bảo tồn tôn tạo di tích lịch sử văn hoá, vốn từ chương trình quốc gia về phát triển du lịch, huy động vốn từ doanh nghiệp... Chính bởi vậy mà cơ sở hạ tầng nhiều khu du lịch như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải ngày càng tốt hơn, thuận lợi hơn. Hệ thống giao thông đến các điểm di tích lịch sử cũng đã cơ bản hoàn thành.
Mặc dù vậy, ngành du lịch tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận cách làm du lịch chưa thực sự chuyên nghiệp và các loại hình dịch vụ du lịch cũng chưa thực sự tốt. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc xác định, muốn ngành du lịch cất cánh, sớm trở thành “con gà đẻ trứng vàng”, người làm du lịch Vĩnh Phúc phải tránh cách làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, phải có quy hoạch đồng bộ, lâu dài cho một nền du lịch văn hóa.
Hai năm tới sẽ có thay đổi lớn
Theo ông Dương Quang Ứng, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, ngành du lịch Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển theo 3 hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị hội thảo. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, có cơ sở vật chất kỹ thuật tương xứng với các vùng trọng điểm du lịch của cả nước.
“Tôi tin trong khoảng hai năm nữa sẽ có sự thay đổi rất lớn. Chúng ta tin tưởng rằng, du lịch sẽ là một hướng đi rất thành công của Vĩnh Phúc”
Ông Vũ Chí Giang
Để hiện thực hoá các mục tiêu này, ngoài tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, Vĩnh Phúc còn tập trung huy động mọi nguồn lực để cải thiện môi trường đầu tư, dành quỹ đất cho các dự án, đồng thời từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực du lịch, tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch bài bản, chuyên nghiệp... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang khẳng định, Vĩnh Phúc luôn xác định một trong những lĩnh vực quan trọng của Vĩnh Phúc là phải đột phá bằng du lịch.
Theo ông Giang, các thế hệ lãnh đạo trước đây đã nhìn ra tiềm năng, lợi thế của du lịch, nhưng thời điểm đó chưa chín muồi. Bởi những năm mới tách tỉnh, ngân sách Vĩnh Phúc chỉ hơn 100 tỷ đồng, còn bây giờ đã trên 30 nghìn tỷ đồng, thời điểm đã chín muồi. “Chính tầm nhìn của các thế hệ lãnh đạo trước đây đã đặt nền móng cho hôm nay. Chúng tôi là thế hệ may mắn, đã có đủ tích lũy để triển khai và trách nhiệm của chúng tôi là phải triển khai hiệu quả”, ông Giang nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng xác định, du lịch phải đi theo hướng chuyên nghiệp hơn, làm cho hiệu quả hơn, và phải chọn được nhà đầu tư chiến lược để tạo ra những sản phẩm du lịch mới. Du lịch Vĩnh phúc phải là điểm đến thực sự của du khách chứ không phải chỉ là nơi đi qua.