Hủy tour, đổi tuyến
Trung Quốc là thị trường khách lớn nhất của Việt Nam và cũng là một điểm đến của du khách dịp Tết, nên việc hủy tour vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra khiến nhiều đơn vị lữ hành Việt Nam phải có quyết sách phù hợp theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Hanoi Redtour cho biết, ngay những ngày sát Tết, HanoiRedtours và du khách đã thống nhất hủy toàn bộ các tour đi Trung Quốc và các sản phẩm khởi hành trong Quý 1. Bên cạnh đó, một số tour du lịch dành cho khách nước ngoài tới Việt Nam có kết hợp tham quan Trung Quốc của HanoiRedtours cũng bị ảnh hưởng (1 đoàn khách đi tàu biển đến Việt Nam - Trung Quốc đã bị hủy).
“Riêng Tết Nguyên Đán, đã có 5 đoàn đi Trung Quốc đã bị hủy (số lượng khách trung bình từ 30 – 35 khách/đoàn). Hiện mới chỉ có các hãng hàng không thông báo được phép hoàn, còn các nhà cung cấp dịch vụ khác tại Trung Quốc chưa có thông tin. Kinh doanh không lúc này sẽ lúc khác nhưng sức khỏe cho du khách là quan trọng nhất”, ông Hoan chia sẻ.
Còn đại diện Vietrantour cho biết: Đơn vị đã tạm ngừng khai thác tuyến tour Trung Quốc trong thời điểm bùng phát dịch bệnh nCoV và huỷ bỏ tất cả các tour đến Trung Quốc cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Công ty chấp nhận bồi hoàn 100% cho khách đã đặt tour. Số lượng khách của Vietrantour hủy tour tới Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên Đán là hơn 300 khách, với doanh thu khoảng 5,68 tỷ đồng.
Để khắc phục, Vietrantour tư vấn du khách chuyển đổi điểm đến là các tour nội địa như chương trình nghỉ dưỡng biển đảo: Côn Đảo, Phú Quốc... hoặc trải nghiệm cuộc sống dân dã và ẩm thực miền Tây Nam Bộ... hay các điểm đến du xuân Đông Nam Á không cần thủ tục visa để kịp thời gian khởi hành như: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Doha, Dubai...
Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Phùng Quang Thắng, các công ty lữ hành hiện bám sát chỉ đạo của cơ quan quản lý, sẵn sàng hủy tour, tuyến đến các thị trường có nguy cơ cao về dịch bệnh và hoàn trả tiền cho du khách. Một trong những khó khăn mà ngành Du lịch phải đối diện là ngoài thông tin chính thống từ cơ quan quản lý, trên mạng xã hội lan truyền nhiều thông tin thất thiệt, khiến du khách hoang mang.
“Các công ty lữ hành đang cố gắng đưa thông tin chuẩn xác cho du khách để họ yên tâm khi đến Hà Nội và Việt Nam. Du khách được hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách. Các hướng dẫn viên tại điểm đến và hướng dẫn viên theo đoàn được yêu cầu cập nhật thông tin liên tục về dịch bệnh nCoV, biện pháp phòng lây nhiễm để hỗ trợ du khách”, ông Phùng Quang Thắng nói.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương với kinh nghiệm tư vấn tại thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam và Khu vực trong nhiều năm phân tích, ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và mạng sống của con người thì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona còn gây ra ba tác động trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam.
Theo ông Mauro, tác động đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là sự sụt giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong khi đây là thị trường nguồn khách lớn nhất đến nước ta, chiếm hơn 30% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019. Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc hiện đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tống số khách quốc tế đến khu vực, chiếm hơn 70% tổng lượt khách quốc tế trong năm 2019 theo thông tin từ Sở Du lịch Khánh Hòa. Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sự sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và khách doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Tác động thứ hai là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại Châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao hơn so với những điểm đến du lịch khác. Khu vực Đông Nam Á, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế (138 triệu khách quốc tế trong năm 2019 với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức ấn tượng 7.8% trong vòng 9 năm trở lại đây) thì dự kiến trong thời gian tới khu vực sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn. Một số điểm đến du lịch như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự sụt giảm du khách đến từ Châu Âu, Úc, Mỹ… do khách đến từ các quốc gia này có khả năng cao sẽ hủy hoặc hoãn thời gian du lịch do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tác động thứ ba phải kể đến nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hang hay khu vực vui chơi giải trí. Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện hay không phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của chính phủ Việt Nam trong thời gian tới.
"Nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thời gian tới, chúng tôi tin rằng ngành du lịch Việt Nam sẽ có sự hồi phục vào nửa cuối năm 2020 và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Đối với Khách sạn và Resort, đặc biệt là những nơi phục vụ lượng lớn khách hàng đến từ các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho cả khách hàng và nhân viên làm việc tại đây", ông Mauro Gasparotti nói.