Du lịch tìm cách phục hồi

TP - Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, người làm du lịch không bao giờ bi quan. Trong lúc chờ đợi mở cửa quốc tế, ngành du lịch chuẩn bị cho chuỗi hoạt động quy mô và có tác động sâu rộng.
Ninh Bình đón gần 500 đại biểu dự diễn đàn du lịch nội địa

Bình thường mới, cơ hội mới là chủ đề Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2021 từ 5-8/5 tới - ông Vũ Thế Bình thông tin tại họp báo sáng 5/4. Một trong những sự kiện đón đầu là Diễn đàn Du lịch Nội địa toàn quốc 2021 từ 14-15/4 tại Ninh Bình, có chủ đề Du lịch nội địa- Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới. Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL) phối hợp Sở Du lịch Ninh Bình và Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình mời khoảng 300-500 đại biểu thảo luận, tham gia tua khảo sát mới của Ninh Bình. Đây cũng là sự kiện đón đầu Năm Du lịch quốc gia 2021.

Trong bối cảnh chưa thể mở cửa thị trường quốc tế, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đều tìm cách biến du lịch nội địa thành mỏ vàng. Diễn đàn xoay quanh các nội dung về vai trò của du lịch nội địa, tình hình phát triển du lịch nội địa hiện nay, đề xuất giải pháp phát triển du lịch nội địa cũng như hướng phát triển du lịch Ninh Bình.

Ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nói, tỉnh kỳ vọng đến 2030 đưa du lịch Ninh Bình là một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước. Sau COVID-19, du lịch Ninh Bình chung tình cảnh khó khăn, 3 tháng đầu năm 2021 chỉ đón hơn 600 nghìn lượt khách, bằng 20% cùng kỳ năm 2019.

Sau 9 lần tổ chức VITM, Hiệp hội sẵn sàng tổ chức hội chợ sáng tạo hơn nữa, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và người dân trao đổi sản phẩm mới.

“Người làm du lịch không bao giờ bi quan, luôn phấn đấu với tinh thần tích cực để tìm cơ hội trong bối cảnh khó khăn. Hội chợ VITM Hà Nội 2021 cũng là nỗ lực và sáng kiến để khôi phục hoạt động. Du lịch có vui, có khôi phục thì các ngành nghề liên quan mới có thể trở lại được”, ông Vũ Thế Bình nói.

Khoảng 350 gian hàng tại hội chợ đặt tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội. Tới hết tháng 3, HHDL nhận được đăng ký của hơn 450 đơn vị từ 40 tỉnh/thành và bốn quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan. “Hội chợ là nơi để doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo, đưa ra sản phẩm tốt nhất đồng thời góp sáng kiến phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Truyền thông quan tâm nhiều tới việc đón khách quốc tế vì thế chúng tôi nghĩ rằng hội chợ mở, tư tưởng mở hơn”, ông Bình nói.

Lãnh đạo Hiệp hội nhận định có sự chuyển dịch rõ nét hơn về du lịch nội địa trong đại dịch COVID-19, bởi lâu nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đánh giá đúng vai trò của khách nội. Nếu trước đây chủ yếu doanh nghiệp lữ hành tham gia hội chợ, nay có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng tham gia xúc tiến, giới thiệu sản phẩm.

Cái khó ló cái khôn, du lịch Việt Nam thời gian qua ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của Du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) và Du lịch golf. Trong khuôn khổ VITM 2021 tới, Hiệp hội ra mắt CLB MICE. Loại hình này cùng với Du lịch golf đang là hai sản phẩm tiềm năng, giàu dư địa phát triển của du lịch Việt Nam.

Không chỉ là nơi trao đổi, giao lưu và mua bán giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và khách hàng, Ban Tổ chức kỳ vọng tìm ra giải pháp cho nhiều vấn đề cấp thiết hơn trong đó có việc “chảy máu” nhân sự du lịch. Hàng nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, có tới 30% nhân sự du lịch rời bỏ công việc, 80% nhân lực không được làm việc thường xuyên. Các nhà quản lý, doanh nghiệp hết sức lo ngại bởi nhân sự chất lượng cao rời bỏ du lịch có thể không quay trở lại làm việc. Nhân lực cũng là một trong những điểm hạn chế của du lịch.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định có sự chuyển dịch rõ nét hơn về du lịch nội địa trong đại dịch COVID-19, bởi lâu nay nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đánh giá đúng vai trò của khách nội. Nếu trước đây chủ yếu doanh nghiệp lữ hành tham gia hội chợ, nay có thêm nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng tham gia xúc tiến, giới thiệu sản phẩm.