Nguy cơ tắc nghẽn, quá tải ở các khu, điểm du lịch thu hút khách dịp nghỉ lễ tới đây không nằm ngoài tiên lượng. Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Sa Pa (Lào Cai) dự báo lượng khách tăng ít nhất 10% trong dịp lễ 30/4, 1/5. Áp lực quá tải du khách tại một số điểm còn đáng lo ngại hơn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Khảo sát mới nhất của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho thấy hơn 83% người Việt trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay. Phần lớn các doanh nghiệp thông báo bán hết tua dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. “Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên với chúng tôi sự bùng nổ này cũng là một điều đáng lo ngại. Cùng với tâm lý háo hức du lịch trong ngày nghỉ lễ, nhiều du khách xuất hiện tâm lý chủ quan hơn như không đeo khẩu trang, không sát khuẩn, không cài đặt phần mềm truy vết, trốn tránh khai báo y tế khi đến những điểm đông người như bến tàu xe, các lễ hội, địa điểm đông người”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký TAB cảnh báo.
Làn sóng du lịch sau thời gian người dân bị “giam ở nhà” gây ra nhiều hệ lụy, trước hết với chính du khách. “Du lịch không phải chuyện cấp bách, càng không cần a dua đi theo đám đông, không cần du lịch dồn dập trong vài ngày nghỉ. Mỗi người dân hãy là du khách thông thái để không bỏ tiền chi trả cho một kỳ nghỉ như hành xác”, ông Chính khuyến cáo.
Ông Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch nêu quan điểm, nhu cầu du lịch của người dân là chính đáng. Tuy nhiên các nhà quản lý nhà nước phải có trách nhiệm tiết giảm, điều tiết ở địa phương, cụ thể là ở các điểm, khu du lịch. Nhà quản lý hoàn toàn có thể can thiệp bằng nhiều cách khác nhau.
Ngay sau Công điện của Thủ tướng một số địa phương lập tức dừng các hoạt động tập trung đông người như ngừng bắn pháo hoa, hủy lễ hội văn hóa, du lịch và sự kiện quy mô hàng nghìn người. “Đây chính là một trong những cách điều tiết bằng mệnh lệnh hành chính. Không chỉ dừng sự kiện lớn, nhà quản lý hoàn toàn có thể đưa ra quy định về lượng người tối đa tại mỗi điểm đến để tránh quá tải. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra tình huống xấu”, ông Phạm Trung Lương nói.
Gần nửa năm yên bình trước đại dịch COVID-19, nhiều nhà cung cấp dịch vụ, địa phương có phần lơ là phòng chống dịch. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại Hà Nội siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch an toàn.
Báo cáo về công tác phòng chống dịch trong cả dịp lễ 30/4-1/5, đại diện Cảng hàng không Nội Bài cho biết, thời gian qua, các chuyến bay nội địa tăng cao, cảng đã chủ động tuyên truyền đến hành khách phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Cảng cũng tiến hành phân luồng các chuyến bay như các chuyến bay giải cứu công dân, chuyến bay có các chuyên gia nhập cảnh, chuyến bay nội địa để phòng chống COVID-19. "Chúng tôi kiểm tra, giám sát thực hiện thường xuyên việc đeo khẩu trang, khai báo y tế. Về khai báo y tế, cảng trang bị phương tiện máy móc hỗ trợ, cử nhân viên hỗ trợ từng vị trí, đảm bảo hành khách trước khi lên máy bay đều khai báo y tế", đại diện Cảng Nội Bài nói. Theo vị này, dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, dự báo lưu lượng hành khách rất lớn, các đơn vị đã có phương án cụ thể, đặc biệt phối hợp giữa lực lượng tại sân bay, lực lượng của địa phương kiểm tra, rà soát công tác phòng chống dịch, nếu nhắc nhở không được sẽ xử lý nghiêm để đảm bảo phòng chống dịch.
Lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu, những người trở về thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 bắt buộc phải khai báo y tế, nếu ai không khai báo y tế sẽ bị xử lý nghiêm.
Nên nghỉ ngơi giãn cách xã hội
Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ca bệnh xâm nhập. Thật may, tuy mỗi ngày Việt Nam có tới hơn 20 lễ hội truyền thống, nhưng chỉ là những lễ hội nhỏ. Chính quyền đang giảm quy mô những lễ hội này, thậm chí hủy bỏ nếu không an toàn. Riêng lễ hội có liên quan đến du lịch, vì dịch bệnh còn kéo dài nên không thể dừng mãi, chống dịch tốt để duy trì các hoạt động nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một phần rất quan trọng.
Theo tôi, thời gian tới, dịch vẫn đang bùng phát tại Ấn Độ và các nước xung quanh, Việt Nam cần biến du lịch và các lễ hội liên quan du lịch trở thành hình thức nghỉ ngơi giãn cách xã hội. Ví dụ, dịp nghỉ lễ kéo dài 4 ngày cuối tuần này, các địa điểm du lịch chỉ cần thay đổi quy mô, hủy bỏ tất cả các sự kiện tập trung đông người trong lễ hội. Làm như vậy, khách du lịch chủ yếu đi nghỉ ngơi, bản chất giống như một đợt giãn cách xã hội. Về tổng thể, kì nghỉ lễ dài 4 ngày cuối tuần này, theo tôi, đó là thời gian tuyệt vời để thực hiện giãn cách, và coi đó là cơ hội phòng chống dịch bệnh rất tốt. BS Trần Văn Phúc
Người TPHCM du lịch tại chỗ
Trước tình hình dịch bệnh đang căng thẳng tại một số nước lân cận và nguy cơ dịch tái bùng phát tại Việt Nam, dịp lễ 30/4 năm nay, nhiều người dân tại TPHCM đã lựa chọn những điểm du lịch gần nhà để nghỉ dưỡng, tham quan thay vì đi xa. Bà Nguyễn Thị Thanh Nga (TP Thủ Đức) cho biết, gia đình bà đã huỷ tua du lịch Phú Quốc, vì lo ngại dịch bệnh. “Tôi rút sớm nên chỉ bị phạt 20%, nhưng như vậy cũng được vì lỡ có gì thì mình hối hận không kịp”- bà Nga nói. Công ty Saigontourist cho biết, các tua du lịch tới Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng dành cho dịp lễ 30/4 và 1/5 giảm giá mạnh 30%- 70% vẫn tràn ngập.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) khuyến cáo, người dân luôn cảnh giác, không chủ quan lơ là với công tác phòng dịch, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.
Đối với người dân từ các địa phương đến TPHCM du lịch trong dịp nghỉ lễ, cần thực hiện khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, đối với người đi bằng đường hàng không, các hãng hàng không và sân bay có trách nhiệm kiểm tra khai báo y tế đối với hành khách đi máy bay, những người không khai báo y tế sẽ không được lên máy bay.
Tạm dừng nhiều lễ hội, khách về Thanh Hóa giảm 30%
Sau khi Thanh Hóa có quyết định dừng tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội tập trung đông người trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 để phòng chống dịch COVID -19. Ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành phố Sầm Sơn cho biết: Để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19, Thành phố Sầm Sơn đã chỉ đạo tạm dừng nhiều hoạt động tập trung đông người đã có kế hoạch từ trước. Một số lượng khách đã huỷ phòng nghỉ đã đặt trước đó. Trong dịp nghỉ lễ tới, lượng khách sẽ giảm 20-30% so với dự báo ban đầu.
Hiện nay, để tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố Sầm Sơn đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp như: du khách đến nghỉ tại các cơ sở lưu trú bắt buộc phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, sử dụng nước sát khuẩn tay để lưu hồ sơ y tế, phục vụ truy vết phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các cơ sở lưu trú, kinh doanh ăn uống… vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 sẽ bị rút giấy phép, đình chỉ hoạt động…