Dự kiến cho các trường tăng số lượng lớp: Hà Nội thoát cảnh chật vật tìm chỗ học?

TPO - Bộ GD&ĐT dự kiến cho phép trường học từ mầm non đến THPT tăng quy mô số lớp, tăng diện tích đất/học sinh. Theo các nhà giáo, việc tăng số lớp học/trường nhằm phù hợp thực tế, mở thêm cơ hội học tập, đáp ứng nhu cầu của học sinh đô thị.

Các quy định thuộc Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, tiểu học, THCS – THPT của Bộ GD&ĐT. Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi, nếu thông qua sẽ áp dụng ngay trong năm học tới.

Theo đó, Bộ GD&ĐT dự kiến tăng quy mô lớp học đối với trường học các cấp. Cụ thể, mầm non tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp (hiện nay tối đa là 20 nhóm, lớp). Tổng diện tích khu đất xây dựng trường được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em bình quân tối thiểu là 12 mét vuông cho 1 em. Đối với các đô thị loại II trở lên, cho phép bình quân tối thiểu 8 mét vuông/trẻ.

Đối với trường tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng dự kiến quy mô tối thiểu 10 lớp, tối đa 40 lớp/trường (vùng khó khăn quy mô tối thiểu 5 lớp). Với quy định này, trường học có thể tăng 10 lớp/trường. Tổng diện tích khu đất xây dựng trường tối thiểu 10 mét vuông/học sinh. Đối với các khu đô thị loại III trở lên cho phép bình quân tối thiểu 6 mét vuông/học sinh.

Việc tăng số lớp học/trường sẽ tăng thêm cơ hội học tập cho học sinh, tránh cảnh phụ huynh xếp hàng tranh giành suất học cho con.

So với quy định hiện hành, diện tích đất xây dựng trường/học sinh giảm xuống. Hiện, diện tích khu đất xây dựng trường ở các đô thị miền núi, khu vực trung tâm các đô thị có quỹ đất hạn chế cho phép bình quân tối thiểu 8 mét vuông cho một học sinh.

Dự thảo mới cũng quy định, trường THPT có quy mô tối thiểu là 15 lớp, tối đa 50 lớp. Con số này cao hơn quy định hiện hành là 10 lớp. Các trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô tối thiểu 9 lớp và tối đa 50 lớp đối với trường 2 cấp học; 75 lớp đối với trường có 3 cấp học. Trường có tổ chức nội trú hoặc ăn, ở tập trung bán trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú đảm bảo 6 mét vuông/học sinh.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định, các trường học phải xây dựng đủ số lượng phòng để dạy học các bộ môn như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ… Phòng nghỉ giáo viên phải bố trí liền kề với phòng học tập, đảm bảo cứ 10 lớp học có 1 phòng nghỉ giáo viên.

Đối với các cơ sở giáo dục đã được đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất khi công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận đạt chuẩn quốc gia trước ngày Thông tư mới có hiệu lực, Bộ GD&ĐT cho biết, các trường tiếp tục theo cấp độ, mức độ đã được công nhận. Thời gian chuyển tiếp thực hiện đánh giá tiêu chuẩn cơ sở vật chất theo quy định mới là 5 năm.

Tăng cơ hội học tập cho học sinh

Năm ngoái, Sở GD&ĐT Hà Nội từng có kiến nghị với Bộ GD&ĐT về việc tăng sĩ số học sinh/lớp (từ 45 lên 50 em); tăng số lớp/ trường (từ 45 lên 50 lớp) và cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh. Nguyên nhân là do Hà Nội chịu áp lực rất lớn về tăng số lượng học sinh qua từng năm học, trong khi việc xây dựng trường, lớp không đáp ứng nhu cầu dẫn đến thiếu trường, lớp cục bộ.

Đặc biệt, ở các quận nội đô hiện không còn quỹ đất để xây trường. Tại Hà Nội, hiện vẫn có những trường tiểu học có sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, vượt rất xa quy định của Bộ GD&ĐT (35 em/lớp).

Ông Nghiêm Chí Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện 3 khối 10, 11, 12 của trường có 48 lớp học. Ngoài ra, còn có các phòng học bộ môn đáp ứng theo chương trình. Năm học tới, chỉ tiêu tuyển sinh của trường giảm một lớp so với năm ngoái nhằm đảm bảo điều kiện để công nhận trường chuẩn quốc gia.

“Với dự thảo mới của Bộ GD&ĐT, tăng quy mô lên tối đa 50 lớp nếu áp dụng vào thực tế, nhà trường cũng không gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên. Thực tế, ở bậc THPT, khi học sinh lựa chọn môn học, có thể chọn môn này nhiều, môn khác ít nên giáo viên có thừa thiếu tiết tuy nhiên nhà trường căn cứ thực tế để bố trí hợp lý”, ông Thành nói.

Năm học 2024-2025, Trường THPT Lê Lợi quận Hà Đông sẽ được xây mới với quy mô 45 lớp học, cộng thêm các phòng học chức năng đáp ứng dạy học theo chương trình.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lâu nay trường chỉ có 25 phòng học các lớp. Dù dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đến nay đã tròn 2 năm nhưng phòng học chức năng mới chỉ đáp ứng theo chương trình cũ, thiếu thốn, khó khăn đủ bề.

Nếu Bộ GD&ĐT cho tăng quy mô lớp học/trường, giảm diện tích đất/học sinh cũng nhằm phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương nói chung và đặc biệt các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng học sinh tăng nhanh, trường lớp chưa đáp ứng.

Nhất là việc có thể tăng thêm 10 lớp/trường THPT sẽ nhằm giảm tải, giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp rất lớn cho Hà Nội. Ví dụ ở trường THPT Lê Lợi, khi xây dựng mới xong, trường có thể tăng quy mô tuyển sinh thêm 10 lớp. Quy định này cũng được áp dụng cho các loại hình trường tư thục, trường công tự chủ tài chính… mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho học sinh lựa chọn nơi học tập. Tuy nhiên, việc tăng quy mô số lớp ban đầu cũng sẽ kéo theo một số khó khăn nhất định về đội ngũ vì trong bối cảnh đang thiếu giáo viên ở nhiều nơi.

Ngoài ra, có thể thiếu thốn cả thiết bị dạy học tuy nhiên những vấn đề đó đều có thể giải quyết được trong một thời gian ngắn.

Tại quận nội thành Hà Nội, một trường THPT hiện nay cũng đã có quy mô lên tới 54 lớp học. Năm học tới, nhà trường được giao tuyển mới 18 lớp 10. Theo đại diện nhà trường, sở dĩ trường này có số lượng lớp học vượt xa quy định hiện hành là vì trường ở khu vực nội đô dạy cùng lúc nhiều ngoại ngữ. Tuy nhiên, điều may mắn là diện tích đất của trường khá lớn nên đáp ứng cơ sở vật chất, học sinh học không phải luân phiên.