Hà Nội loay hoay bài toán giãn sĩ số học sinh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo Sở GD&ÐT Hà Nội, năm học 2022-2023, thành phố (TP) tuyển sinh khoảng 140 nghìn học sinh lớp 1 và 151 nghìn học sinh lớp 6. Hà Nội yêu cầu, ở các khu đô thị mới chưa có trường học, Phòng GD&ÐT phải báo cáo quận, huyện giải quyết chỗ học cho học sinh, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng quá tải.
Hà Nội loay hoay bài toán giãn sĩ số học sinh ảnh 1
Năm học 2022-2023 Hà Nội vẫn khó có thể giảm áp lực trường, lớp. Ảnh: Quỳnh Anh

Thực tế, nhiều trường tiểu học ở nội thành có sĩ số hơn 50 học sinh/lớp, thậm chí có nơi 60 em/lớp. Con số này vượt quá xa so với quy định Điều lệ trường tiểu học là 35 học sinh/ lớp; THCS 45 học sinh/ lớp. Thực tế này diễn ra chủ yếu ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy,... nơi có nhiều chung cư cao tầng mọc lên nhanh chóng.

Dân số tăng nhanh gây áp lực lớn cho trường học

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, riêng học sinh lớp 1, những năm trước trường phải tuyển khoảng 1.000 em. Không đủ cơ sở vật chất, nhà trường buộc phải dạy học luân phiên cả cuối tuần.

Năm nay, phường có thêm 1 trường tiểu học nên số lượng học sinh đầu cấp giảm một nửa, tuy nhiên phòng học vẫn chưa thể đáp ứng, học sinh các khối vẫn phải học luân phiên. Nghĩa là các lớp phải thay nhau nghỉ 1 ngày trong tuần và học cả ngày thứ 7.

Cũng do sĩ số học sinh cao nên Trường Tiểu học Hoàng Liệt chưa thể đạt trường chuẩn quốc gia, mặc dù đã có lộ trình. Tháng 6/2022, Trường Tiểu học Hoàng Liệt ra thông báo chuyển 300 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 sang trường khác gần đó để giãn sĩ số, tuy nhiên đã vấp phải sự phản ứng của phụ huynh, buộc nhà trường phải đối thoại và UBND quận Hoàng Mai yêu cầu tạm dừng.

Chị Nguyễn Hương Giang có con học lớp 5 Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Chị cho biết, lớp của con năm nay có sĩ số 52 học sinh. Từ những năm trước, do thiếu phòng học nên học sinh phải học luân phiên cả cuối tuần trong khi ngày thường lại nghỉ. “Bố mẹ đi làm, mình đành gửi con đi học thêm hoặc để con ở nhà một mình. Nếu trẻ lớn không sao, trẻ nhỏ tuổi như lớp 1-2 sẽ rất lo lắng”, chị Giang nói.

Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) trước đây từng rất áp lực tuyển sinh do xung quanh có nhiều chung cư cao tầng. Có năm, sĩ số học sinh lên tới 60 em/lớp. Bà Nguyễn Phương Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay trường đã trút được gánh nặng áp lực do UBND quận phân lại tuyến tuyển sinh, nên lớp 1 có sĩ số khoảng 38 em. Học sinh lớp 2 đến lớp 5 có lớp vẫn 50 em.

Theo Phòng GD&ĐT Hà Đông, địa bàn có quy mô dân số tăng nhanh dẫn đến gây áp lực lớn cho các trường học, đặc biệt là khối mầm non, tiểu học. Năm học này, Hà Đông đã xây mới 1 trường, sửa chữa 23 trường học nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Phường Dương Nội có tới 15 trường công lập và 4 trường tư thục mới tuyển sinh hết số lượng học sinh, trẻ mầm non trên địa bàn.

Thiếu quỹ đất xây trường

Phó trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, năm học 2022-2023 trên địa bàn quận tăng học sinh ở cả 3 cấp tiểu học, THCS và THPT. Sĩ số học sinh trung bình là 49,7, bậc THCS trung bình là 42,7 em/lớp. Số lượng học sinh đông, sĩ số học sinh/lớp cao, quận khó nâng cao tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Tiểu học là bậc có tỉ lệ trường đạt chuẩn thấp nhất, chỉ 55%.

Theo Sở GD&ÐT Hà Nội, riêng học sinh khối 1 toàn Hà Nội hiện có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 em/lớp; khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 em/lớp. Các quận nội thành khó khăn bố trí quỹ đất để xây trường. Một số khu đô thị cao tầng, trường học chưa đáp ứng nhu cầu, sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Một số lãnh đạo Phòng GD&ĐT cho rằng, bao nhiêu năm nay Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán áp lực sĩ số do thiếu trường học. Quỹ đất được quy hoạch dành cho giáo dục trong các khu đô thị trên địa bàn các quận hầu hết được phê duyệt đầu tư theo mô hình xã hội hóa.

UBND quận khó tiếp cận quỹ đất này để xây trường công lập. Việc đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị chỉ mang tính cầm chừng, tiến độ chậm do đa số học sinh ở đây có nhu cầu học tại trường công lập xung quanh. Điều này dẫn đến áp lực đổ dồn lên khối trường công lập.

“Có những nơi, đất quy hoạch xây trường thuộc giai đoạn trước diện tích chật hẹp, nằm trong khu vực đông dân cư nên không thể sửa chữa, cơi nới phòng học”, một lãnh đạo Phòng GD&ĐT nói.

Bà Nguyễn Phương Hoa cho rằng, cho dù thực hiện nhiều giải pháp như phân lại tuyến tuyển sinh, sửa chữa cơ sở vật chất... nhưng để đạt được con số quy định của Bộ GD&ĐT là rất xa vời.

Về lâu dài, giải pháp là các quận, huyện vẫn phải dành đất để xây trường học. “TP cần có chính sách khuyến khích xây dựng trường tư thục để thu hút học sinh, giảm bớt gánh nặng cho trường công lập”, bà Hoa nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho rằng, các khu đô thị mọc lên nhanh chóng là nguyên nhân chính khiến căng thẳng về trường lớp. Mỗi năm trên địa bàn quận tăng khoảng 5.000 học sinh. Riêng phường Hoàng Liệt, nơi có nhiều chung cư cao tầng, hiện đã có 3 trường tiểu học nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

MỚI - NÓNG