Đó là một số ý kiến được nêu ra tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư với chủ đề “Kết nối giữa Nam Á với Đông Á và Đông Nam Á: Quá khứ và hiện tại” do Mạng lưới Nghiên cứu Nam Á tổ chức từ ngày 18-19/11.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Hồng Hải, nghiên cứu viên tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Nhân văn và Xã hội học, ĐH Queensland, Úc, nói rằng,“Bộ Tứ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) đang thúc đẩy một trật tự tự do và cởi mở dựa trên luật lệ để bảo đảm an ninh và thúc đẩy thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam đang theo đuổi chính sách quốc phòng “4 Không”: không tham gia liên minh quân sự, không đi với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự hay sử dụng lãnh thổ để tiến hành các hoạt động quân sự chống lại nước khác; không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
TS Hải cho rằng, để đối phó các mối đe doạ và xử lý những thách thức đối với an ninh quốc gia, Việt Nam không nhất thiết phải tham gia “Bộ Tứ” mở rộng, nhưng vẫn có thể tranh thủ cơ chế này để nâng cao khả năng tự vệ của mình. Một cách để làm được điều đó là tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược hiện có với Ấn Độ.
Nhiều dư địa
TS Mohor Chakraborty, trợ lý giáo sư về khoa học chính trị tại Trường Cao đẳng nữ sinh Nam Calculta, Ấn Độ, nói rằng mối liên kết của Ấn Độ với các nước Đông Nam Á được củng cố bởi những gắn kết về lịch sử, văn hoá, thương mại, quốc phòng và chiến lược. Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách của Ấn Độ đối với Đông Nam Á. Một thành tố quan trọng của quan hệ giữa hai nước là hợp tác quốc phòng và chiến lược, được bao hàm trong các chính sách và kế hoạch của Ấn Độ như “Make in India” và Aatma Nirbhar Bharat- tầm nhìn của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi về việc đưa Ấn Độ trở thành quốc gia tự lực tự cường.
Trong bối cảnh châu Á trỗi dậy, việc đề ra các sáng kiến nhằm phát triển mạng lưới kết nối xuyên khu vực để tạo cơ sở cho những tương tác về kinh tế, chính trị, xã hội với cường độ cao hơn trở nên cần thiết và cấp thiết, ban tổ chức hội thảo tuyên bố.
TS Chakraborty nói rằng, một trong những khía cạnh của mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành quốc gia tự lực tự cường là tập trung nhiều hơn vào hợp tác công nghệ quốc phòng, tạo cơ hội cho đầu tư vào sản xuất sản phẩm quốc phòng, tìm kiếm các nguồn cung cứng. Trong lĩnh vực hàng hải, mục tiêu của Ấn Độ là tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực này thông qua đối thoại an ninh biển song phương, cử các tàu hải quân và tàu bảo vệ bờ biển thăm cảng thường xuyên; đẩy mạnh các chương trình giao lưu, huấn luyện quân sự; thúc đẩy hợp tác công nghiệp quốc phòng, chống cướp biển, bảo đảm an ninh cho các tuyến hàng hải… Đối thoại an ninh - quốc phòng Việt Nam- Ấn Độ lần thứ 13 diễn ra vào ngày 12/1 đã ghi nhận những tiến bộ trong hợp tác quốc phòng. Hồi tháng 4, hai nước tiến hành Đối thoại an ninh hàng hải (trực tuyến) lần thứ hai, thảo luận về những bước phát triển trong lĩnh vực an ninh hàng hải, tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này...
Chương trình “Make in India” và Aatma Nirbhar Bharat là những động lực giúp Ấn Độ trở nên tự chủ, bền bỉ và thân thiện với các nhà đầu tư, để Ấn Độ có thể hội nhập, tiếp nhận những đối tác có trách nhiệm và năng lực như Việt Nam, bà Chakraborty nói. Nhìn chung, các cơ hội đầu tư vào sản xuất sản phẩm quốc phòng, hình thành chuỗi cung ứng, cùng phát triển và hợp tác đang mở rộng đáng kể phạm vi đầu tư và hợp tác ở Ấn Độ. Theo bà, Ấn Độ có thể cung cấp cho Việt Nam các thiết bị quân sự như hệ thống phòng không Akash, trực thăng Dhruv, tên lửa BhrahMos…