Ông Nguyễn Quang Mạnh, Giám đốc BQL Đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, hiện dự án đang bám sát tiến độ đề ra. Kế hoạch đến năm 2018 dự án hoàn thành đi vào sử dụng là điều hoàn toàn có thể.
"Phá băng" ùn tắc
Ông Nguyễn Quang Mạnh cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tuyến đường sắt đô thị số 3, Nhổn - ga Hà Nội – Hoàng Mai kết nối khu vực phía Tây với trung tâm thành phố và nối tiếp với khu vực phía nam thành phố. Tuyến xuất phát từ Nhổn, đi theo QL32 - Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy Voi Phục - Kim Mã - Giang Văn Minh - Cát Linh - Quốc Tử Giám - Trần Hưng Đạo - Phan Chu Trinh - Lò Đúc - Kim Ngưu - Tam Trinh. Tuyến 3 kết nối với tuyến số 2A tại khu vực nút giao phố Cát Linh và Giảng Võ, giao với tuyến số 2 tại ngã tư phố Trần Hưng Đạo - Hàng Bài.
Như vậy, sau khi hoàn thành đây là 1 trong 2 trục giao thông có lưu lượng hành khách lớn nhất thành phố: dự báo tuyến đường này đến năm 2020 sẽ thu hút được 488.000 hành khách/ngày (16.500 hk/giờ/hướng). Đường sắt đô thị sẽ trở thành xương sống vận chuyển hành khách công cộng, còn xe buýt thành mạng kết nối thu gom chuyển tiếp. Theo tính toán với lợi thế vượt trội về khả năng chuyên chở đến năm 2020 hệ thống đường sắt đô thị sẽ đưa tỷ lệ đảm nhận của hệ thống vận tải hành khách công cộng lên 20% - 30%. Bên cạnh đó, hệ thống này còn có nhiệm vụ trợ giúp người dân đi lại thuận tiện, kể cả đối với những người có hoặc không có phương tiện giao thông cá nhân.
Ngoài ra, việc triển khai dự án còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của khu vực dân cư cũ và khu đô thị lớn của Hà Nội ở các quận: Nam/Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Trong tương lai tuyến sẽ kéo dài từ trung tâm thành phố xuống phía nam đi qua các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai kết nối với các Khu đô thị mới hình thành, phát triển sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân đồng thời tăng doanh thu cho đơn vị vận hành khai thác tuyến đường sắt này.
Việc hoàn thành dự án đưa vào khai thác sử dụng là cơ sở đầu tiên hình thành một loại hình vận tải hành khách công cộng mới hiện đại văn minh, góp phần để thành phố Hà Nội phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại nhằm nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội Thủ đô; giải quyết và cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra cho khu vực trung tâm Hà Nội. Thiết lập một phương thức vận tải giao thông mới cho thành phố hiện đại trong tương lai tại Việt Nam; thúc đẩy sự chuyển đổi từ hình thức và thói quen sử dụng phương tiện cá nhân sang việc sử dụng loại hình vận tải công cộng.
Các gói thầu mới dự án đang được đẩy nhanh tiến độ
Lập trình tiến độ
Trên công trường dự án tuyến đường sắt số 3, không khí làm việc đang diễn ra hối hả. Các nhà thầu đang huy động tối đa nguồn lực con người và máy móc thi công cả ngày lẫn đêm. Tại khu Depot (phường Minh Khai- quận Bắc Từ Liêm), một khuôn hình về khu phức hợp hạ tầng kỹ thuật hiện đại đã hiện rõ. Đây là một trong những gói thầu được triển khai đầu tiên và hoàn thành 90% khối lượng thi công hạng mục hạ tầng. Trên nền tảng hạ tầng này, những công trình kiến trúc của khu Depot đang đua nhau mọc lên.
Ông Mạnh chia sẻ, hiện tiến độ các gói thầu đang “chạy theo đúng lập trình”. Nhà thầu không được phép chậm nhưng trái lại, chủ đầu tư cũng chịu áp lực không kém nếu để xảy ra bất cứ điều gì ảnh hưởng đến tiến độ của nhà thầu. Tư vấn nước ngoài tỏ ra khá “lạnh lùng” trong cách kiểm soát tiến độ. Theo người đứng đầu BQL Đường sắt đô thị Hà Nội thì đến nay gói thầu số 1 (CP01) – Tuyến đoạn trên cao và Gói thầu số 2 (CP02) - Các ga trên cao đã thi công được trên 20% khối lượng. Gói thầu số 3 (CP03) - Hầm và các ga ngầm đang chuẩn bị thủ tục để có thể ký hợp đồng thi công trong quý III/2015...
Song song với việc xây lắp, 04 gói thầu thiết bị (Gói CP06- Thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống đường sắt 1; Gói CP07-Thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống đường sắt 2 (E&M); Gói CP08-Thiết kế, cung cấp và lắp đặt hệ thống đường sắt 3; Gói CP09-Hệ thống vé cũng đang được triển khai rốt ráo.
Ông Mạnh cho biết, hiện BQL Đường sắt đô thị Hà Nội đang tích cực phối hợp với các quận đẩy nhanh công tác GPMB các ga ngầm và chỉ đạo tư vấn, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ thi công dự kiến phấn đấu hoàn thành công tác xây lắp cuối năm 2018 và vận hành thử đưa dự án vào hoạt động năm 2019.
Hà Nội sẽ đầu tư 305 km đường sắt đô thị
Theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 305km. Hiện nay trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện đầu tư 04 dự án, với tổng chiều dài 58,5km. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư 2 dự án (tuyến 2A: Cát Linh - Hà Đông và tuyến số 1, đoạn Giáp Bát - Gia Lâm); UBND thành phố Hà Nội quyết định đầu tư 2 dự án (tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội).
Tổng mức đầu tư trên 1,17 tỷ Euro
Tổng chiều dài tuyến: 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài khoảng 8,5 km; đoạn ngầm dài khoảng 4 km. Lộ trình tuyến điểm đầu Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao đường vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao đường vành đai 2) - Kim Mã - Cát Linh - Quốc Tử Giám - điểm cuối ga Hà Nội. Đường sắt đôi, khổ đường sắt tiêu chuẩn: 1.435 mm. Hệ thống nhà ga gồm 8 ga trên cao (S1 đến S8), 4 ga ngầm (từ S9 đến S12), trong đó có 2 ga kết nối trung chuyển. Khu Depot tại quận Bắc Từ Liêm, diện tích 15,05ha. Tổng mức đầu tư là 1.176 triệu Euro; thời gian thực hiện dự án: 2009-2018.