Dự án BT “đội vốn” nhiều triệu đô la chưa được quyết toán

TP - Sau khi Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận liên quan đến Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở sử dụng 100% vốn nước ngoài theo hình thức BT, cơ quan Liên ngành thành phố Hà Nội cho biết, dự án trên không bị thất thoát vốn do thành phố chưa bàn giao hết quỹ đất đối ứng cho Gamuda Land Việt Nam.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở vẫn đang trong quá trình quyết toán. Ảnh: Gamuda.

Trong số các danh mục dự án BT trên địa bàn thành phố Hà Nội vừa được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và TTCP công bố, Dự án Nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) Yên Sở là dự án được nêu tên nhiều nhất, với số tiền yêu cầu giảm trừ và thu hồi lại hơn 1000 tỷ đồng. Liên quan đến dự án trên, tháng 3/2017, cơ quan Liên ngành thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát, tổng hợp ý kiến giải trình báo cáo UBND thành phố Hà Nội về nội dung được KTNN công bố.

Đối với số tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) gần 20,6 tỷ đồng các đơn vị yêu cầu giảm trừ do nằm ngoài phương án đền bù được UBND thành phố phê duyệt, Liên ngành cho biết, do dự án nằm trong danh sách chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, để đẩy nhanh GPMB triển khai dự án, Gamuda Land Việt Nam đã đề xuất phương án hỗ trợ ngoài chính sách và được UBND thành phố Hà Nội chấp thuận và giao cho UBND quận Hoàng Mai chỉ đạo các đơn vị triển khai. Do đây là khoản chi phí GPMB được chủ đầu tư tự nguyện hỗ trợ nên Tổ công tác liên ngành khẳng định đã đề nghị chủ đầu tư không đưa 20,6 tỷ đồng vào hồ sơ quyết toán vì không có cơ sở.

Về việc đưa khối lượng nạo vét 5 hồ Yên Sở vào danh sách quyết toán, mặc dù không được ghi trong Quyết định 1263 về việc phê duyệt dự án ban hành năm 2010, dẫn đến quyết toán tăng 8,9 triệu USD, giải trình của Liên ngành cho biết, các hồ trên đang tạo cảnh quan cho Công viên Yên Sở, nhưng hạng mục nạo vét 5 hồ trên nằm trong hợp phần của Dự án NMXLNT Yên Sở được thể hiện tại các Biên bản thoả thuận Hà Nội ký với Tập đoàn Gamuda Berhad năm 2007, 2008, Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt năm 2008.

Trước đó, năm 2007, UBND thành phố đã giao cho Giám đốc Sở Giao thông Công chính trước đây chủ trì, phối hợp cùng chủ đầu tư lập phương án, thẩm định, kiểm tra, xác nhận khối lượng và phê duyệt dự toán công tác nạo vét. Do nằm trong hợp phần Dự án NMXLNT Yên Sở, hạng mục nạo vét không được đưa vào quyết toán dự án Công viên Yên Sở.  

Về chất lượng nước thải sau xử lý không đạt theo yêu cầu hợp đồng BT là cột A - Quy chuẩn QCVN 24: 2009/BTNMT, Liên ngành cho biết, trước khi triển khai, năm 2007, các đơn vị đã tiến hành khảo sát ô nhiễm và kết luận công nghệ của NMXLNT Yên Sở đủ đáp ứng tiêu chuẩn cột A.

Thực tế, từ tháng 1/2012 đến thời điểm chuyển giao, nhà máy vận hành ổn định công suất 200.000m3/ngày, với kết quả trắc nghiệm đạt cột A Quy chuẩn QCVN 24: 2009/BTNMT, đủ điều kiện chuyển giao. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, chất lượng nước sông Kim Ngưu bị ô nhiễm nặng. Mặt khác, Bộ TN&MT cũng áp dụng Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT thay thế cho Quy chuẩn QCVN 24: 2009/BTNMT, vì vậy Sở TN&MT đã có báo cáo UBND thành phố cho áp dụng Quy chuẩn QCVN 24: 2009/BTNMT cột A trong giai đoạn chuyển giao; Áp dụng Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMTcột B cho giai đoạn vận hành sau chuyển giao, đồng thời báo cáo Tổng cục Môi trường về việc áp dụng Quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cột B đối với nước thải sau xử lý tại NMXLNT Yên Sở.

Một trong những hạng mục được KTNN yêu cầu xử lý là thu hồi khoản tiền 22,1 triệu USD, do giá trị sử dụng đất giao cho chủ đầu tư cao hơn giá trị quyết toán dự án, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Liên ngành cho biết, hiện dự án vẫn đang ở trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ quyết toán trình các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt, nên số tiền được KTNN kết luận phải thu hồi chưa thể nói là thất thoát, bởi đến thời điểm này thành phố chưa bàn giao hết quỹ đất đối ứng cho chủ đầu tư, vẫn còn 6,5 ha chưa GPMB.

Mặt khác, Gamuda Land Việt Nam cũng nhiều lần cam kết, nếu con số quyết toán Dự án thấp hơn giá trị đất đối ứng đã nhận và sử dụng, Gamuda Land Việt Nam sẵn sàng hoàn trả lại toàn bộ số tiền vượt cộng với lãi của số tiền vượt sau khi thành phố phê duyệt quyết toán.