Làm giàu cho quê hương
Đến xã biên giới Mản Thẩn (huyện Si Mai Cai, Lào Cai), hết thảy đều biết về trí thức trẻ Giàng Seo Châu (sinh năm 1986), thạc sỹ đầu tiên của bản làng. Anh mới được bầu làm phó bí thư Đảng uỷ xã, Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn sau ba năm làm phó chủ tịch xã theo dự án 600 tri thức trẻ.
Theo đánh giá của người dân và cán bộ nơi đây, anh Châu có vai trò rất lớn trong việc thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nâng cao thu nhập cho người dân. Anh đã trực tiếp xây dựng và phát triển mô hình trồng cây tam thất tại địa phương, ban đầu chỉ có vài hộ với diện tích nhỏ, nay có hàng chục hộ dân tham gia trồng với tổng diện tích 4,4ha. Anh còn tổ chức, hướng dẫn đồng bào thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch về diện tích lúa, ngô, đao, riềng, gừng. Năm 2016, tổng sản lượng lương thực của xã Mản Thẩn đạt gần 1.182 tấn; sản lượng lương thực bình quân đầu người/năm là 614 kg. Bên cạnh đó, anh còn tổ chức thực hiện trồng rau tăng vụ được 20ha rau các loại; nâng tổng đàn gia súc lên 946 con, đàn lợn 2.830 con, gia cầm 19.700 con… Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 22 triệu đồng/năm. Năm 2016, Mản Thẩn là xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tất cả các tiêu chí.
Với những kết quả trên, anh Giàng Seo Châu được bình chọn là một trong 10 thanh niên đoạt giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng; đoạt Giải thưởng Thanh niên ASEAN 2017.
Nổi tiếng khắp các bản vùng cao Tây Bắc còn có trí thức trẻ Tráng Seo Pao (sinh năm 1983), là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014, được nhận bằng khen của Thủ tướng; được T.Ư Đoàn, Ban Dân vận T.Ư trao tặng bằng khen… Đến nay, dù không còn làm phó chủ tịch xã nữa, nhưng Tráng Seo Pao vẫn được người dân xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai gọi là “vua” làm đường bê tông.
Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội đúng lúc Dự án 600 phó chủ tịch xã được triển khai, anh Pao viết đơn tình nguyện tham gia và trúng tuyển. Sau thời gian khảo sát thực tế địa phương, anh quyết định đột phá ở lĩnh vực “Xây dựng đường liên gia, ngõ xóm cho nhân dân xã Hoàng Thu Phố” tạo điều kiện đi lại thuận lợi, khơi thông sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người dân. Anh là người trực tiếp thiết kế, dự trù kinh phí xây dựng, xin các nguồn tài trợ. Nhiều người dân đã “không tin vào mắt mình” khi anh xây dựng thành công những con đường bê tông cheo leo vắt vẻo trên vách núi. Giờ đây đến Hoàng Thu Phố, đường bê tông nối liền khắp các thôn bản, đến tận nhà của 460 hộ dân với chiều dài 17km.
Anh Tráng Seo Pao cũng có vai trò rất lớn trong việc thuyết phục người dân xây dựng hàng trăm nhà tiêu hợp vệ sinh; hàng chục chuồng trại cho gia súc, gia cầm bảo đảm giữ hơi ấm khi trời rét. Cùng với đó là xây dựng 2 bếp ăn tập thể cho học sinh bán trú; đưa 2/4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I.
Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới
Trong những năm tháng làm Phó chủ tịch xã Làng Nhì – xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu (Yên Bái), anh Lò Văn Khởi đã chủ động tham mưu, đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp cho chính quyền xã trong công tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng bản làng văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư. Đến nay tất cả đồng bào người Mông ăn chung một Tết Nguyên đán; học sinh lên lớp và tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao hơn 90%.
Để giúp đồng bào xoá đói giảm nghèo, anh Khởi xây dựng thành công Câu lạc bộ chăn nuôi dê theo phương thức bán công nghiệp, đồng thời liên kết tạo đầu ra cho chăn nuôi. Đàn dê từ 100 con ban đầu, đến nay đã hơn 300 con. Anh còn vận động thành công bà con gieo cấy lúa vụ đông xuân để hơn 100ha ruộng nước ở xã làm được hai vụ/năm, góp phần tăng năng suất lúa và giảm số hộ thiếu đói mùa giáp hạt; trồng 41ha ngô hè thu. Với những thành tích đạt được, anh Lò Văn Khởi đã nhận được nhiều bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Kết thúc dự án 600, anh Khởi được tín nhiệm chuyển công tác về Hội Nông dân huyện Trạm Tấu. “Đã có thời gian trải nghiệm tại xã, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Môi trường và vị trí làm việc nào cũng đều quan trọng, vì thế tôi sẽ luôn cố gắng làm thật tốt và không ngại khó, ngại khổ”, anh Khởi chia sẻ.
Trong thời gian làm Phó chủ tịch xã Phước Tiến (huyện Bắc Ái, Ninh Thuận), chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (sinh năm 1986) đã ghi dấu ấn khi xây dựng và thực hiện thành công Đề án “Thành lập hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Tiến”, giúp đồng bào tiếp cận với phương thức sản xuất mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh. Đến nay, hợp tác xã hoạt động rất hiệu quả, đảm nhiệm làm đất, cung cấp giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, thu hoạch, thu mua nông sản, thú y, thủy lợi; hỗ trợ cho bà con tiếp cận tốt hơn với kỹ thuật sản xuất, các nguồn vốn của nhà nước, nâng cao năng lực tiêu thụ hàng hóa sau sản xuất. Chị Linh đã vận động bà con dân tộc Raglai phát triển và nâng cao chất lượng đàn heo đen tại địa phương, tìm đầu ra cho sản phẩm; thực hiện các vùng chuyên canh trồng lúa, trồng mỳ, trồng bắp.
Với những gì đã thể hiện trong thời gian qua, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh tiếp tục được bầu làm Phó chủ tịch xã Phước Tiến phụ trách lĩnh vực kinh tế. “Tôi luôn nghĩ có giải pháp, sáng kiến nào mà làm lợi cho địa phương, cho người dân đều cần phải cố gắng thực hiện”, Linh nói và cho biết đang tích cực xây dựng làng nghề truyền thống để phát triển nghề thủ công mây tre đan lát, tạo việc làm và có thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đánh giá: Đội viên dự án 600 Giàng Seo Châu là người có năng lực, nhiệt tình, chủ động và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mô hình trồng cây tam thất của Giàng Seo Châu đạt thành công bước đầu, góp phần tạo thêm thu nhập cho nhân dân; đồng thời mở ra hướng phát triển cây dược liệu của Si Ma Cai. “Dự án 600 đã tạo ra hướng mới, tích cực tăng cường cán bộ trẻ có năng lực, tri thức về các vùng sâu vùng xa giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-văn hoá-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Để đảm bảo tốt hơn việc bố trí các trí thức trẻ về công tác tại các địa phương, Chính phủ, UBND tỉnh cần có thêm cơ chế, chính sách, bổ sung biên chế”, ông Minh đề xuất.
Tuyên dương 60 trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã tiêu biểu
Tối 28/8, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức lễ tuyên dương các đội viên tiêu biểu của Dự án 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo. Tham dự lễ tuyên dương có Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng; Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong cùng 300 đội viên dự án.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy cho biết, 60 gương mặt đội viên tiêu biểu Dự án 600 phó chủ tịch UBND xã được tuyên dương là các đội viên ưu tú đại diện cho 580 đội viên đến từ 20 tỉnh thực hiện dự án. Đây là những đội viên có nhiều thành tích, nhiều sáng kiến trong công tác, giúp địa phương và nhân dân những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương.
“Các bạn đã khẳng định năng lực công tác, đóng góp tâm sức, trí tuệ góp phần làm thay đổi bộ mặt các vùng quê nghèo khó, được nhân dân tin yêu, tạo luồng sinh khí mới và truyền được cảm hứng cho bao bạn trẻ khác để cùng làm việc với nhiệt huyết, đam mê, vì một Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh”, Bí thư T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh và mong muốn mỗi đội viên trên các cương vị công tác sẽ tiếp tục phát huy tinh thần tình nguyện, sức trẻ, không ngại khó, ngại khổ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, cùng làm nên nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống, xây quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh.
Mai Xuân