Đột quỵ, tử vong khi cổ vũ bóng đá

TPO - Tại Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa thành phố này đã ghi nhận một số trường hợp người dân đột quỵ, tai biến và tử vong do không kìm hãm được cảm xúc khi xem và cổ vũ bóng đá trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và Qatar hôm 23/1. 

 Để đảm bảo an toàn, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần kiềm chế cảm xúc, nhất là các người dân có bệnh lý về tim mạch, huyết áp để tránh tai biến, nguy hiểm đến tính mạng.

Vui quá cũng dẫn đến tử vong

Bác sĩ Vũ Văn Sơn - khoa Cấp cứu (bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) xác nhận trường hợp bệnh nhận L.Q.A (51 tuổi, trú tại quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tử vong vào tối ngày 23/1. Người nhà bệnh nhân này cho biết, trước đó, khi đang cùng người nhà xem trận đấu giữa Việt Nam và Qatar vào thời điểm gay cấn, nghẹt thở vì quá vui mừng khi cậu thủ của chúng ta ghi bàn ông A. không kìm nén được cảm xúc hò hét, nhảy múa rồi bất ngờ ngã bật giữa nhà.

Ông A sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu, tuy nhiên khi lên đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thì đã tử vong. Đây là trường hợp đầu tiên bệnh viện này ghi nhận tử vong vì xem bóng đá.

Người dân Đà Nẵng reo hò cổ vũ sau trận thắng của U23 Việt Nam vào tối ngày 23/1. Ảnh Nguyễn Thành

Ngoài ra, khoa cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng trong đêm ngày 23/1 cũng tiếp nhận thêm 3 ca bệnh nhân khác nhập viện vì xem bóng đá. Cả ba trường hợp này nhập viện vì đột quỵ, xuất huyết não. Người nhà 3 bệnh nhân cho biết: các bệnh nhân đều bị tai biến vào thời gian trong và sau khi trận bóng đá Việt Nam và Qatar kết thúc. Rất may được cấp cứu kịp thời nên cả 3 trường hợp này đều đã bảo toàn được tính mạng và đang tiếp tục điều trị và theo dõi.

Theo thống kê của khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, từ 19h ngày 23/1 đến 6h sáng ngày 24/1, bệnh viện đã tiếp nhận 41 ca tai nạn giao thông, 11 ca bệnh vì đánh nhau, 3 ca bệnh do ngộ độc rượu… Số lượng bệnh nhân nhập viên tăng đột biến, buộc khoa phải tăng cường bác sĩ, điều dưỡng để cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân.

Bệnh viện trong tình trạng báo động

Bác sĩ Trần Thị Khánh Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng nhớ lại: ngày 23/1, thời điểm trận bóng giữa Việt Nam diễn ra, tại các hành lang của các khoa, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tập trung theo dõi trận đấu trong trật tự. Nhiều bệnh nhân bệnh nặng nhưng vì tình yêu bóng đá nên vẫn cố gắng ra xem và cổ vũ. Đội ngũ y tá, bác sĩ phải túc trực bên cạnh và khuyên mọi người giữ bình tĩnh vì sức khỏe và không làm ảnh hưởng đến các bệnh nhân nặng đang nằm điều trị. Dù vui mừng nhưng mọi người reo hò rất nhẹ nhàng, không quá khích.

“Từ khi nào đến giờ, bệnh viên mới có những thời khắc vui vẻ như vậy. Trận bóng đó đã làm nhiều người bệnh vui cười quên đi nỗi đau bệnh tất, nụ cười trên môi mà nước mắt chảy trên mi. Tôi không mê bóng đá những chứng kiến những cảnh đó cũng thấy nao nao tâm hồn” bác sĩ Ngọc chia sẻ.

Các màn hình tivi tại hành lang bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng sẵn sàng phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ảnh Nguyễn Thành

Sáng ngày 26/1, tại buổi giao ban chuyên môn, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, bác sĩ Lê Đức Nhân đã nhắc nhở đội ngũ y bác sĩ, cùng nhân viên của bệnh viên đặc biệt là của các khoa như : nội tim mạch, cấp cứu, gây mê hồi sức…cần chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và phương tiện để chuẩn bị cho thời điểm trước, trong và sau trận đấu ngày hôm nay. Lãnh đạo Bệnh viện đã phải báo động toàn bệnh viên phải tập trung cao độ vì số lượng bệnh có thể sẽ tăng cao, sẵn sàng cấp cứu hàng loạt trong thời điểm trước và trong trận chung kết giải vô địch bóng đá Châu Á giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan.

 Bác sĩ Trần Thị Khánh Ngọc cho biết: ngay từ trước thời điểm trận bóng giữa Việt Nam và Qatar diễn ra bệnh viện đã lên kế hoạch chuẩn bị, tăng cường nhân lực và phương tiện để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Bệnh viện tố chức 3 đội cấp cứu với đầy đủ nhân lực để sẵn sàng ứng cứu với các trường hợp cấp cứu hàng loạt, khi có sự cố các đội sẵn sàng lên đường. Ngoài ra, các bác sĩ trực được yêu cầu không được bỏ vị trí trực trong thời gian diễn ra trận đấu. Để chuẩn bị cho trận chung kết, lãnh đạo

Bệnh viên cũng  yêu cầu các bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện phải mở máy điện thoại liên tục, khi cần thiết tiến hành điều động người, phương tiện. Ban giám đốc phải thường trực thay phiên nhau có mặt tại bệnh viện trong thời điểm trận bóng đá diễn ra để giải quyết kịp thời các tình huống. Giám đốc bệnh viện cũng phân công trực tiếp cho trưởng khoa huyết học chuẩn bị các đơn vị máu cơ bản, sẵn sàng ứng cứu cho bệnh nhân. Đặc biệt, các túi chống sốc di động luôn sẵn sàng để dùng để cấp cứu bệnh nhân nhồi máu cơ tim hay tai biến. Thay vì vận chuyển bệnh nhân bị tai biến đến bệnh viện, các đội cấp cứu sẽ dùng các túi này để cấp cứu bệnh nhân tại chỗ trong “thời gian vàng” để duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Ngọc cũng khuyến cáo người dân có tiền sử về bệnh tim mạch, cao huyết áp phải tự kiểm chế chủ động về cảm xúc của mình, không nên quá khích, vận động mạnh để tránh nguy hiểm như các trường hợp đã xảy ra vào ngày 23/1. Đặc biệt là các bạn trẻ cũng cần kiềm chế, không uống bia rượu, cỗ vũ quá khích dẫn đến tai nạn, ảnh hưởng, đe dọa đến tính mạng của mình và những người xung quanh.