Đột nhiên yêu đời - Dấu hiệu của bệnh tâm thần

“Cuộc đời của các bệnh nhân hưng cảm đều có đặc điểm chung: trẻ, trí thức và ngập tràn ước mơ hoài bão”, BS. Tạ Thị Ngân, Trưởng khoa 3, Bệnh viện tâm thần Trung ương I chia sẻ.

Đột nhiên yêu đời - Dấu hiệu của bệnh tâm thần

> Bỗng dưng... tâm thần sau khi vay hàng chục tỷ đồng
> Facebook tiết lộ triệu chứng bệnh tâm thần

“Cuộc đời của các bệnh nhân hưng cảm đều có đặc điểm chung: trẻ, trí thức và ngập tràn ước mơ hoài bão”, BS. Tạ Thị Ngân, Trưởng khoa 3, Bệnh viện tâm thần Trung ương I chia sẻ.

Hiện nay, có không ít người trẻ đang bị rơi không trọng lượng trong căn bệnh mang tên hưng cảm. Hưng cảm cấp độ nhẹ, hưng cảm có loạn thần và thậm chí không biết mình mắc bệnh. Hưng cảm là một dạng rối loạn khí sắc, làm tăng tất cả các mặt hoạt động tâm thần của người bệnh, như: cảm xúc, tư duy, tri giác và hành vi tác phong, người bệnh bỗng yêu đời quá mức, tràn đầy năng lượng.

Khi lên cơn, họ rất yêu đời, làm thơ, vẽ, viết lung tung trên tường, hát hò, túm lấy người khác nói chuyện và rất dễ bị kích động nếu bị ai đó ngăn cản những trò vui vẻ của họ.Trong đó, bệnh chủ yếu tác động lên cảm xúc của bệnh nhân và cảm xúc hưng phấn, yêu đời quá mức này sẽ chi phối các mặt còn lại.

“Bệnh nhân thường kèm theo những ý nghĩ hoang tưởng tự cao, nói nhiều, đứng ngồi không yên và thường xuyên xen vào những chuyện không phải của mình. Nguyên nhân của bệnh do yếu tố di truyền là chủ yếu, hoặc có thể các vấn đề gặp phải trong môi trường xã hội, các sang chấn tâm lý, stress kéo dài”, BS. Tạ Thị Ngân, Trưởng khoa 3 , BV Tâm thần TƯ 1 cho biết.

BS Ngân kể lại: “Trong khoa cũng đã có bệnh nhân hưng cảm đã từng viết thư cho tôi, bác sỹ cho em xin 30 cái BCS, em đi em nhờ người. Đây cũng là một trạng thái hưng cảm liên quan đến nhu cầu sinh lý của con người”. Bệnh nhân có ham muốn được yêu, không làm chủ được hành vi của mình.

Đa số các trường hợp bệnh nhân được đưa đi điều trị đều đã ở giai đoạn nặng, đã có những hành động gây tổn hại đến gia đình và những người xung quanh. Bởi lẽ người thân của họ không nghĩ sự yêu đời, hưng phấn đột ngột ấy là bệnh, thậm chí còn mừng khi thấy họ vui vẻ, tràn đầy sinh khí hơn so với ngày thường.

T.Đ.H.T. không chỉ xinh đẹp mà còn giỏi giang, vững chuyên môn (giáo viên ngoại ngữ của một trường Đại học ở Hà Nội), biết nhiều thứ tiếng. Là con gái của gia đình truyền thống gia giáo, T được bố mẹ tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành. Từ nhỏ, cô luôn học giỏi và rất ngoan hiền. Tốt nghiệp đại học xong cô được giữ lại trường làm giảng viên, con đường phía trước dường như đang rất rộng mở với một sinh viên mới ra trường như T. Nhưng sau khi đi giảng dạy được một thời gian, cô có hiện tượng tự cho mình là xinh đẹp, ăm mặc diêm dúa, nói nhiều, suốt ngày ca hát, nhảy múa.

Chuyện này khiến cả gia đình lo lắng, đưa T đến bệnh viện điều trị. Khi vào viện T. luôn nói là em được anh Tổng Giám đốc một tập đoàn yêu, lần này ra viện là em về em cưới chồng, cưới anh đấy. Như BS Ngân nói thì T. bị mắc bệnh hưng cảm được yêu, luôn có cảm giác mọi người xung quanh yêu mình, nghĩ mình là người xinh đẹp nhất, thích ăn mặc sặc sỡ, chải chuốt.

Hưng cảm cũng thay đổi theo cường độ từ nhẹ cho tới phát triển mạnh với các tính năng tâm thần, bao gồm ảo giác, hoang tưởng, đa nghi, hành vi căng trương lực, gây hấn, và lo lắng với những suy nghĩ hoặc mưu tính mà có thể dẫn đến tự bỏ bê.

H. T. V ( Bắc Ninh ) năm nay vừa tròn 25 tuổi nhưng đã ở trong viện gần 8 năm bởi vì căn bệnh hưng cảm. Đã từng phải xuất, nhập viện điều trị rất nhiều lần. V lúc nào cũng cười, nói nhiều, thích ca hát, thích được khen xinh đẹp và luôn có cảm giác mình được yêu. Theo như lời V tâm sự thì em đã từng bị cưỡng bức, có lẽ đây chính là nguyên nhân làm cho V. mắc căn bệnh hưng cảm này.

BS Ngân cho biết “Sự hưng phấn ấy khiến người hưng cảm ít có nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ mà chỉ chú tâm vào làm những điều mà họ hứng. Cho nên sau một thời gian, cơ thể bệnh nhân sẽ suy kiệt”.

Có những bệnh nhân hưng cảm lại tiêu xài vô độ, mua sắm hoang phí và sẵn sàng móc sạch túi ra cho những người không quen biết, mặc dù là không phải là giàu có.

Bệnh nhân hưng cảm thường chỉ điều trị dứt bằng thuốc hoặc sốc điện. Thường cơn hưng cảm kéo dài ít nhất là một tuần, lâu nhất là 6 tháng rồi tự hết. Tuy nhiên, việc dùng thuốc sẽ giúp rút ngắn cơn, giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn chặn tái phát. “Bệnh này chữa được nhưng thường những người bị bệnh phải uống thuốc củng cố suốt đời. Trong thời gian đó, cần tránh sử dụng rượu bia cũng như hạn chế các chất kích thích khác”, BS Ngân cho biết.

Khi có những dấu hiệu của chứng hưng cảm gia đình nên đưa bệnh nhân đến các bệnh viện tâm thần, trung tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, các bác sĩ tâm thần và các nhà trị liệu tâm lý để được hướng dẫn phương pháp vượt qua căn bệnh này càng sớm càng tốt.

Theo Thanh Huyền
Dân trí

Theo Đăng lại