Ngày 2/11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức gặp gỡ các đơn vị đồng hành Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia ở Khu vực Đông Nam Á có Sếu đầu đỏ về cư ngụ, chủ yếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Năm 1988, có hơn 1.000 cá thể Sếu đầu đỏ về Tràm Chim, sau giảm dần, giai đoạn 2013 – 2020 trung bình 33 con/năm; năm năm 2021 chỉ có 3 con, sau đó Sếu không về nữa, phải tới mùa hè năm nay mới có 4 con Sếu đầu đỏ mới về lại.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Quốc Phong cho biết, năm 2024 bắt đầu chứng kiến nhiều loài chim tụ hội về Vườn quốc gia Tràm Chim, trong đó có 4 cá thể Sếu đầu đỏ. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự chuyển mình của hệ sinh thái.
"Sếu đầu đỏ trở về là chỉ dấu của tự nhiên, người dân địa phương và bạn bè đều vui. Chính điều đó thôi thúc những người làm công tác quản lý thực hiện Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ, để trong tương lai Sếu sẽ trở về Đồng Tháp như tìm về mái nhà xưa thân thuộc của mình, một vùng đảm bảo được những yêu cầu của sự sinh trưởng của chúng”, ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng, để có thể nhìn thấy được hàng trăm cá thể Sếu đầu đỏ trên cánh đồng Tràm Chim là hành trình không dễ, tỉnh đặt ra thời gian khoảng 10 năm để đạt được điều đó. Để trả lại môi trường sống của Sếu đòi hỏi tư duy trong quản trị, bảo tồn của những người làm công tác quản lý Tràm Chim, cùng sự tham gia của người dân địa phương trong chuyển đổi sang canh tác lúa sinh thái, hữu cơ.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp kêu gọi sự đồng hành từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong hành trình 10 năm của Đề án. “Trong 10 năm nữa sẽ thấy hình ảnh Sếu đầu đỏ ngày càng nhiều tại Tràm Chim”, ông Phong kỳ vọng.
Theo Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim, Đồng Tháp dự kiến, trong vòng 10 năm (2022 - 2032) sẽ nhập và nuôi thả 100 cá thể Sếu đầu đỏ, với tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn Sếu đầu đỏ thả ra có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Trước mắt, giai đoạn 2022 - 2028 sẽ tiếp nhận khoảng 30 cá thể Sếu đầu đỏ 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên. Hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim cũng sẽ được phục hồi phù hợp môi trường sống của Sếu đầu đỏ. Cùng giai đoạn sẽ có khoảng 200ha lúa vùng lân cận của người dân địa phương chuyển sang mô hình sản xuất sinh thái, hữu cơ. Trong 5 năm đầu, có thể cho sếu sinh sản và sống tốt trong điều kiện bên trong và ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Giai đoạn 2029 – 2032, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đàm phán với Thái Lan để tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu từ 6 tháng tuổi, dự kiến nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu.
Tại buổi gặp gỡ, TS. Trần Triết - Giám đốc Chương trình bảo tồn Sếu Đông Nam Á - Hội Sếu quốc tế đánh giá, Đề án bảo tồn Sếu đầu đỏ không chỉ nuôi thả Sếu, trên hết phải phục hồi hệ sinh thái tiêu biểu Đồng Tháp Mười. “Tỉnh Đồng Tháp đi tiên phong phát triển nông nghiệp sinh thái, nếu Sếu đầu đỏ sống định cư quanh năm và sinh sản thì đây là môi trường lý tưởng cho đàn sếu phát triển bền vững trong tương lai”, TS. Triết nói.
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, sự đồng hành của các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước là động lực để tỉnh Đồng Tháp quyết tâm thực hiện được Đề án trên. Trong đó gồm cả mục tiêu khôi phục những giá trị đa dạng sinh học của vùng ngập nước, đặc biệt khôi phục loài chim quý hiếm – Sếu đầu đỏ tại tỉnh Đồng Tháp.