Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ năm 2015, tỉnh đã phát động chương trình khởi nghiệp, nhằm mục tiêu khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân trong cộng đồng xã hội, với định hướng đưa tỉnh Đồng Tháp trở thành địa phương khởi nghiệp.
Qua đó, đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực và đã đạt được những kết quả quan trọng; xác định thanh niên là đối tượng có nhiều tiềm năng để củng cố và phát triển lực lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thông qua các dự án khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2024, các sự kiện khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được tổ chức thường xuyên, từ quy mô cấp huyện, cấp tỉnh đến khu vực. Qua đó lan tỏa và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, nổi bật như cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp; các cuộc thi khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên...
Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện, ươm tạo cho các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp tiềm năng; hỗ trợ kết nối chuyên gia, đối tác, nhà đầu tư và các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại.
Đến nay, nguồn vốn vay giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn đã kịp thời hỗ trợ 11 dự án cho trên 200 thanh niên, vốn hơn 2,8 tỷ đồng. Duy trì hoạt động có hiệu quả Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, hỗ trợ cho 10 dự án được xem xét cho vay với số tiền 1,7 tỷ đồng.
Cũng theo ông Tuấn, số lượng dự án - doanh nghiệp khởi nghiệp hằng năm đều có sự gia tăng về cả số lượng và chất lượng; đồng thời, từng bước chú trọng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, áp dụng những quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển theo định hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Từ đó, tiết giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Bên cạnh kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, đa số các cơ sở, doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu thông tin về thị trường, thiếu vốn sản xuất, đầu ra còn hạn chế, bao bì nhãn mác chưa phù hợp.
Anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đánh giá, Đồng Tháp là địa phương đi đầu ở ĐBSCL phong trào thanh niên khởi nghiệp. Tỉnh cần tiếp tục phát huy, phát triển để tạo cơ hội cho thanh niên phát triển, quan tâm các dự án khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ.
Anh Nguyễn Tường Lâm đề nghị tỉnh Đồng Tháp tiếp tục kiểm tra, rà soát chính sách hỗ trợ vốn, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp, nhất là hỗ trợ tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cần sớm xây dựng hoàn thành Không gian Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Tháp, để đáp ứng cơ sở vật chất và ươm mầm cho các dự án khởi nghiệp ở địa phương hình thành và phát triển.
Hiện nay, tổng số thanh niên (từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi) của tỉnh Đồng Tháp là 271.499 (có mặt tại địa bàn là 103.982 thanh niên) chiếm khoảng 14,04% dân số của tỉnh.