Ngày 28/12, tại TP. Vũng Tàu, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo “Triển khai chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam cho Vùng Đông Nam Bộ”.
Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong việc triển khai thực hiện mục tiêu Net Zero cho Vùng Đông Nam Bộ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - nhấn mạnh, chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero sẽ song hành cùng các chương trình khoa học công nghệ quốc gia khác đã và đang thực hiện, nhằm thúc đẩy các giải pháp khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ xanh và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. Điều này góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26).
Chương trình Khoa học và Công nghệ Net Zero sẽ là nền tảng, là cơ sở để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ, lưu trữ các bon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam.
Từ đó nâng cao và cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam, cũng như thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Đạt, Vùng Đông Nam Bộ là khu vực có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, nên việc vùng này đạt được Net Zero cũng đóng vai trò quan trọng cho cam kết Chính phủ tại COP26.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - khẳng định, phát triển xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị kỹ càng về kế hoạch giảm phát thải sẽ chủ động hơn trong phát triển bền vững, nhằm sớm đáp ứng lộ trình giảm phát thải về Net zero vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết.
“Để triển khai thực hiện thành công cam kết của Chính phủ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội giúp các địa phương, các tổ chức và các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển”, ông Thọ nói.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên xã hội và hạ tầng sẵn có, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được nhận định là khu vực có tiềm năng lớn để xây dựng và phát triển Trung tâm cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi, điện gió ngoài khơi, không chỉ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại chỗ cho vùng Đông Nam Bộ mà còn là một mắt xích quan trọng thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo tại Việt Nam và khu vực.
Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đề ra một trong những quan điểm phát triển quan trọng, mang tính xuyên suốt là bảo đảm sự hài hòa về lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường trong suốt quá trình phát triển; bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái, không đánh đổi môi trường với lợi ích kinh tế trong quá trình phát triển. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần thực hiện mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất cho mục tiêu trên là nguồn vốn đầu tư ban đầu cho các dự án Net Zero thường lớn, do đó doanh nghiệp triển khai dự án này rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các đối tác quốc tế. Ngoài ra, đến nay bản thân doanh nghiệp và người dân chưa hiểu hết, hiểu rõ lợi ích của Net Zero…