Nhiều năm qua, đối với nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn, châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu là câu chuyện của khu vực Đông Bắc Á với vấn đề Triều Tiên, quan hệ qua hai bờ eo biển Đài Loan.
Nhưng giờ đây, Đông Nam Á lại gây chú ý hơn bao giờ hết, trên cả điểm tích cực cũng như những sự đề phòng. Trước hết con người vốn dĩ dễ bị ám ảnh mạnh hơn nỗi sợ hãi, do đó, khi nhà địa chính học nổi tiếng Robert Kaplan nói Biển Đông sẽ là nguồn “xung đột của tương lai”, không ít các nhà quan sát khu vực đã phải giật mình. Quả thực, chưa bao giờ biển Đông, từ một điểm xung đột tiềm tàng, lại nổi lên như một trong những tiêu điểm an ninh của thế giới. Trên trang blog cá nhân, gắn với Tờ Chính sách Đối ngoại, phóng viên chuyên theo dõi Đông Nam Á Tim LaRocco, đã viết các sự kiện xảy ra ở biển Đông gần đây dường như đã phần nào phụ họa cho tiên liệu trên. Xen lẫn giữa những diễn biến trên thực địa, hàng loạt các cuộc gặp, trao đổi, hội thảo khu vực được tổ chức trong năm đều bàn thảo chủ đề này, với nhiều điểm đồng nhất nhưng cũng không ít tranh cãi. Đặc biệt trong đó, tuyên bố “đường lưỡi bò” đã gây ra nhiều quan ngại. Cùng với đó là vấn đề nguồn nước sông Mê Công, liên quan đến cuộc sống của hơn 60 triệu người dân trong lưu vực.
Từ góc độ quốc gia, sự kiện Thái Lan có nữ Thủ tướng đầu tiên, bà Yingluck, đã thu hút sự quan tâm rộng khắp. Em gái của tỷ phú Thủ tướng Thái Lan bị lật đổ năm 2006, Thaksin Shinawatra, còn nổi tiếng vì dám chứng tỏ bản lĩnh. Việc bà quyết định mở cửa lũ ra các vùng nông thôn lân cận, nơi có nhiều người ủng hộ bà, để cứu khu vực trung tâm của Bangkok, nơi tập trung 80% năng lực kinh tế của Thái Lan, có lẽ sẽ còn được giới phân tích mổ xẻ trong một thời gian dài nữa. Nước láng giềng với Thái Lan, Myanmar cũng đang có những bước chuyển bất ngờ. Lần đầu tiên trong nửa thế kỷ qua, một Ngoại trưởng Hoa Kỳ mới trở lại Miền đất Vàng bí ẩn. Hình ảnh bà Hillary Clinton ngồi thưởng trà bên cạnh bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập tại Myanmar, chứng tỏ rằng những quyết sách chính trị có thể mang đến những thay đổi khó dự báo.
Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi khí hậu cũng khiến Đông Nam Á xuất hiện trong thấu kính thế giới. Không chỉ Việt Nam trong danh sách 5 nước bị tác động tiêu cực nhất của hiện tượng thiên nhiên “trở chứng”, mà từ Philippines đến Thái Lan, từ Lào đến Campuchia, thiên tai đã cướp đi hàng trăm mạng sống và nhiều tỷ đô la bị thiệt hại. Sự thất bại của Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc (COP17) những ngày cuối năm tại Durban, Nam Phi, tiếp tục báo hiệu tương lai không mấy sáng sủa cho thế giới, trong đó có Đông Nam Á, xét trên bình diện quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Trong sự biến chuyển khó lường của thế giới năm 2011, ASEAN lại trở thành điểm sáng về chủ nghĩa khu vực mở. Bị thách thức khốc liệt phải duy trì sự đoàn kết thống nhất, song tiếp đà thành công của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2010, năm nay các diễn đàn ASEAN dưới sự điều phối của Indonesia lại tiếp tục thúc đẩy vai trò trung tâm, chủ đạo của Hiệp hội trong các tiến trình ASEAN+, ARF, ADMM+, EAS. Không chỉ tiếp tục thúc đẩy triển khai Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC), các diễn dàn ASEAN năm qua còn bàn đến cả việc xây dựng một Bộ luật ứng xử (COC), với tham vọng điều chỉnh cả những xung đột ngoài khu vực. Bên cạnh các nền kinh tế mới nổi, ASEAN tiếp tục có những đóng góp tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn ảm đạm. Các nước lớn đều tôn trọng vai trò của ASEAN, Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược về khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cùng với Nga tích cực tham gia Thượng đỉnh Đông Á, trong khi Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh chóng về mọi mặt.
Năm 2012, Campuchia đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN và với những biến chuyển trong khu vực năm qua, đây chắc hẳn sẽ là một nhiệm kỳ sôi động.