Động đất ở Indonesia: Số người thiệt mạng tăng 'sốc', nhiều nạn nhân là trẻ em đang đi học

TPO - Số người thiệt mạng trong trận động đất ở Tây Java (Indonesia) đã tăng lên 268 người, nhiều nạn nhân trong số đó là trẻ em.

151 người vẫn đang mất tích, cơ quan cứu hộ cho biết hôm nay (22/11), khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát của các toà nhà bị sập. Ảnh: Reuters

Trước đó, một trận động đất mạnh 5,6 độ richter đã xảy ra ở Tây Java - tỉnh đông dân nhất của Indonesia vào chiều thứ Hai (21/11), gây thiệt hại đáng kể cho thị trấn Cianjur, cách thủ đô Jakarta khoảng 75 km về phía Đông Nam và chôn vùi ít nhất một ngôi làng vì một trận lở đất. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo cơ quan ứng phó thiên tai nói với các phóng viên rằng hơn 1.000 người đã bị thương, 58.000 người phải sơ tán và 22.000 ngôi nhà bị hư hại. Ảnh: AP

Ông Henri Alfiandi, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia (Basarnas) cho biết trận lở đất và địa hình gồ ghề đã cản trở các nỗ lực cứu hộ. Ảnh: Reuters

“Thách thức lớn nhất là khu vực bị ảnh hưởng quá rộng. Ngoài ra, nhiều tuyến đường đã bị hư hại”, ông Alfiandi nói với các phóng viên. Ảnh: AP

Ông cho biết nhiều nạn nhân là trẻ em, vì các em đang đi học vào thời điểm xảy ra động đất. Ảnh: AP

Các trận động đất mạnh 6 hoặc 7 độ richter là khá phổ biến ở Indonesia, nhưng thường xảy ra ngoài khơi, nơi có các đường đứt gãy. Trận động đất hôm 21/11 gây thiệt hại nặng nề đến vậy vì nó xảy ra trên đất liền, và tâm chấn nằm ở độ sâu tương đối nông. Ảnh: AP

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (áo trắng) đã tới Cianjur vào hôm nay để động viên lực lượng cứu hộ. “Tôi ra chỉ thị ưu tiên sơ tán những nạn nhân còn mắc kẹt dưới đống đổ nát", ông nói. Ảnh: AP

Cảnh sát trưởng quốc gia Listyo Sigit Prabowo cho biết hơn 1.000 nhân viên an ninh đã được triển khai để hỗ trợ khắc phục hậu quả. Ảnh: AP

Các nỗ lực cứu hộ trở nên phức tạp do mất điện ở một số khu vực và 145 cơn dư chấn. Các quan chức cảnh báo nhiều vụ lở đất có thể xảy ra trong những tuần tới. Ảnh: AP

"Hiện đang là mùa mưa ở Tây Java, đỉnh điểm là vào tháng 12", Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí tượng và địa vật lý, nói với các phóng viên. "Vì vậy, chúng ta phải lường trước bất kỳ thảm họa nào có thể xảy ra sau đó, chẳng hạn như lở đất." Ảnh: AP

Theo Reuters