Sáng 31/8, lãnh đạo TPHCM tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp thành phố năm 2022.
Chủ trì hội nghị gồm: Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Trần Kim Yến.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết qua khảo sát, HĐND thành phố ghi nhận một số ý kiến “than phiền” từ phía doanh nghiệp. Theo đó, một số doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố hiện nay còn phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp mất nguồn kinh phí chạy theo để sửa đổi, tốn chi phí. Doanh nghiệp đề xuất cần cung cấp thông tin nhanh và chi tiết với các doanh nghiệp về thay đổi các chính sách, quy định của pháp luật để chủ động thực hiện; công khai, minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện về vay vốn với lãi suất ưu đãi, công tâm đối xử giữa các doanh nghiệp; áp dụng CNTT nhiều hơn để giảm bớt thủ tục giấy…
Về chính sách đào tạo nguồn nhân lực, lao động việc làm, doanh nghiệp cho rằng có tình trạng nguồn lao động khan hiếm, thiếu công nhân kỹ thuật lành nghề, bên cạnh đó nguồn lao động phổ thông, trung cấp cũng khó tuyển dụng. Từ đó, doanh nghiệp mong muốn thành phố có chính sách thu hút lao động phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo thêm các kênh kết nối để doanh nghiệp và người lao động đang tìm kiếm việc làm. Mặt khác, doanh nghiệp đề xuất thành phố tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính; cần đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch, thúc đẩy kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.
Về đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp mong muốn thành phố đẩy mạnh huy động đầu tư từ xã hội để khai thác hiệu quả tài nguyên đất và không gian đô thị, rà soát quỹ đất hiện có, xử lý tài sản nhà đất sử dụng trong từng vụ án. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đề xuất chính quyền thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau dịch COVID-19, có chính sách hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố.
“Hội nghị là dịp để lãnh đạo thành phố lắng nghe trực tiếp từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để qua đó đánh giá tác động của việc ban hành và thực thi các chính sách, quy định liên quan và những đề xuất về cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký đầu tư, tham gia các dự án của thành phố; lắng nghe tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp làm cơ sở để thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị các cơ quan trung ương có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Còn nhiều trở lực
Phát biểu tại chương trình, anh Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho rằng, thành phố cần nhận diện các thách thức từ bên ngoài và trở lực từ bên trong có thể làm chậm lại quá trình tăng trưởng của thành phố. Theo anh Trường, thách thức từ bên ngoài chính là dịch bệnh diễn biến khó lường; là bất ổn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả tăng, người tiêu dùng toàn cầu có thay đổi khó đoán về nhu cầu, bất ổn kinh tế thế giới; tư duy về phương thức kinh doanh đang chuyển qua hướng số hóa, xanh sạch và bền vững… Trong khi đó, thành phố cũng còn tồn tại nhiều trở lực bên trong, có thể kể đến như: tốc độ giải ngân chậm, cải cách hành chính chưa thể làm hài lòng người dân và doanh nghiệp, triển khai chiến lược số chưa đạt kết quả như mong đợi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đã ban hành nhưng vẫn còn chậm…
Chia sẻ tại hội nghị, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA) cho biết, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng cộng đồng doanh nghiệp lương thực thực phẩm vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Theo bà Chi, thời quan qua, nhiều sáng kiến về cải cách hành chính đã được chính quyền thành phố áp dụng, từng bước phát huy, tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, vẫn còn một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, do đó thành phố cần tiếp tục đi đầu và cùng với cả nước siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải cách hành chính tối đa trên mọi lĩnh vực để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị.
“Cộng đồng doanh nghiệp rất cần tiếng nói kịp thời của thành phố đến với các với bộ ngành trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp…”, bà Chi đề nghị.