> Bệnh lao đang lan mạnh ở cộng đồng
Việt Nam đang đứng thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao trên toàn cầu và đứng thứ 3 trong khu vực Tây Thái Bình Dương.
Bệnh lao kháng thuốc và lao nhiễm HIV (+) đang gia tăng. Nguy hiểm hơn, có 32,5% các trường hợp bệnh lao mới mang vi trùng lao kháng thuốc, trong đó hơn 20% kháng 2 loại thuốc phổ biến trong điều trị bệnh lao.
Tại TPHCM, số liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ kháng thuốc tại khu vực nội thành cao hơn ngoại thành: tỷ lệ lao kháng thuốc của toàn TP là 2,3% , trong khi khu vực nội thành là 3,8%.
Bác sĩ Trần Ngọc Bửu - Phòng chỉ đạo tuyến BV Phạm Ngọc Thạch cho biết, mỗi năm tại TPHCM có tới 7.000 bệnh nhân lao kháng thuốc và 15.000 người mắc lao mới. Đây chính là nguồn lây bệnh kinh hoàng cho cộng đồng khi trung bình cứ 1 người mắc bệnh thì sẽ kéo theo 20 người khác bị lây vi trùng lao.
Trước tình trạng bệnh lao kháng thuốc gia tăng, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thành lập một đơn vị điều trị lao kháng thuốc, quy trình kỹ thuật theo sự hướng dẫn của WHO và có sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Với mô hình này sẽ điều trị để dập tắt các nguồn lây kháng thuốc trong cộng đồng. Sau đó sẽ nhân rộng cho các tỉnh thành cùng khống chế nguồn lây kháng thuốc.
Điều tra tình hình kháng thuốc của vi khuẩn lao trên toàn quốc cho thấy: 3% bệnh nhân lao mới phát hiện và 23,5% bệnh nhân cũ đã mắc bệnh lao đa kháng thuốc. ThS - BS Phan Thượng Đạt - BV Phạm Ngọc Thạch TPHCM, cho biết bệnh lao đa kháng thuốc phải được điều trị bằng các thuốc hàng thứ hai với thời gian 3 tháng với 5 loại thuốc, sau đó duy trì điều trị ít nhất 18 tháng.
Đối với người bệnh, để ngăn chặn bệnh lao đa kháng thuốc, phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị: uống đủ liều, đều đặn, đủ thời gian, không được bỏ điều trị. Khi gia đình có người bị nhiễm lao phổi thì nên cho bệnh nhân ngủ riêng, nơi ngủ phải thoáng khí, hạn chế cho trẻ em dưới 5 tuổi gần gũi với bệnh nhân. Nếu có điều kiện, những người trong gia đình nên đi khám để phát hiện và điều trị sớm.
Trong suốt thời gian điều trị bệnh lao, người bệnh vẫn có thể làm việc bình thường, nhưng nên nghỉ ngơi từ 1-2 tháng đầu điều trị cho đến khi thấy khỏe hơn. Làm việc phải vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy đủ dưỡng chất.
Bên cạnh đó, môi trường sống phải trong lành, sạch sẽ, nhà cửa thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, không tối tăm ẩm thấp, chật chội.
Người mắc bệnh lao phổi cần khạc nhổ đúng chỗ, vào bô, lọ có chất sát trùng và có nắp đậy; xử lý tốt các chất khạc nhổ, chất tiết, chất thải bằng hypochlorite natri 1%; đồ dùng, chăn màn của người bệnh lao phải được thường xuyên phơi dưới ánh nắng mặt trời...